Nguyễn Minh Vũ, 5 tuổi, nạn nhân chất độc da cam, trong một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Reuters. |
Hai ngày sau khi tòa án Tối cao Mỹ bác đơn kháng kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, chiều 4/3, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc và Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã lên tiếng phản đối quyết định trên và ra lời kêu gọi tiếp sức cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đấu tranh đòi công lý.
Phó chủ tịch Vũ Trọng Kim nói, vụ kiện này là tiếng nói của lương tri và quyền con người đòi đạo lý và công lý, không chỉ vì cuộc sống của nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam mà còn vì quyền lợi chính đáng của nạn nhân chất độc da cam là cựu chiến binh Mỹ và nhiều nước khác đã tham gia chiến tranh ở Việt Nam.
Ông Kim kêu gọi các tổ chức quốc tế, nhà khoa học, luật học, nhà hoạt động xã hội, nhân dân Mỹ và thế giới tiếp tục nói lên sự thật và có những hành động thiết thực ủng hộ vụ kiện, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong đấu tranh giành công lý cho đến thắng lợi.
Cùng ngày, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định tòa án Mỹ đã sai lầm nghiêm trọng khi không thừa nhận chất da cam là chất độc hại đối với con người và việc sử dụng chất này là không cố ý gây thiệt hại cho người Việt Nam.
Các máy bay Mỹ đang rải chất độc diệt lá xuống Việt Nam trong Chiến dịch Ranch Hand. Ảnh: FFRD. |
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các nạn nhân rất bất bình về quyết định của tòa án Mỹ, kêu gọi nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước, những người có lương tri trên thế giới hãy sát cánh đòi phía Mỹ phải có trách nhiệm pháp lý và đạo lý trong việc giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh vụ kiện, luật sư Lưu Văn Đạt, người theo vụ kiện từ đầu cho biết, lý do tòa án Tối cao Mỹ bác đơn kiện của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam là theo luật pháp Mỹ, khi một vụ án được gửi đến Tòa phúc thẩm thì nhất định phải được xem xét giải quyết. Nhưng cùng vụ việc đó nếu được gửi lên tòa án Tối cao thì không nhất định phải đưa ra xét xử.
Tuy nhiên, những phiên tòa phúc thẩm chỉ có hiệu lực trong một số bang nhất định. Vì vậy, các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam hoàn toàn có thể kiện các công ty hóa chất Mỹ tại 11 bang khác của Mỹ.
"Việc có tiếp tục khởi kiện ra tòa hay không chúng tôi đang cân nhắc, nhưng còn nhiều con đường để tiếp tục đấu tranh cho công lý. Chúng tôi sẽ kiên trì đấu tranh đến cùng để đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam", luật sư Đạt khẳng định.
Em bé này là nạn nhân của chất độc da cam do Mỹ dải xuống Việt Nam. Ảnh: VAVA. |
Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, ngay từ đầu năm 2004, khi tiến hành vụ kiện đã tiên liệu trước tình hình vì vụ kiện ở Mỹ do người Mỹ xét xử nên rất khó khăn. Mục đích của Hội là không chỉ đấu tranh trên tòa mà cả bằng công luận. Chính nhờ công luận, nước Mỹ đã có những hành động nhất định đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và Quốc hội Mỹ đã phải điều trần về vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam.
Trước đó, ngày 2/3, Tòa án Tối cao Mỹ đã công bố quyết định không xem xét đơn của các nạn nhân chất độc da cam người Việt Nam và Mỹ kiện các công ty sản xuất chất độc hóa học diệt cỏ được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Hiện Việt Nam có khoảng 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Một số mốc chính trong vụ kiện chất độc da cam - 30/1/2004, bên nguyên trình đơn kiện đầu tiên lên tòa án Liên bang Mỹ. - 30/9/2005 nguyên đơn nộp đơn kiện lên Tòa phúc thẩm Mỹ. - 22/2/2008: Tòa phúc thẩm nhất trí với kết luận của Tòa sơ thẩm, bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. - 6/10/2008 nguyên đơn tiếp tục nộp đơn thỉnh cầu lên Tòa án Tối cao Mỹ. - 2/3/2009 tòa án Tối cao Mỹ bác đơn thỉnh cầu của nguyên đơn Việt Nam. |
Xuân Tùng