- Năm 2014, toàn ngành thanh tra phát hiện, xử lý và đưa ra các kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 51.583 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với năm 2013; xử lý kỷ luật hành chính hơn 2.000 tập thể, gần 15.500 cá nhân. Nguyên nhân của việc kết quả tăng vượt bậc này là do đâu?
- Thứ nhất, chúng tôi xây dựng định hướng kế hoạch tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, tập trung vào công tác quản lý kinh tế xã hội; quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp; tài chính, tín dụng và đặc biệt là tập trung thanh tra trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng của công dân.
Thứ hai, ngành Thanh tra đã đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, quy trình thủ tục và đồng thời làm thế nào để việc thực hiện kết luận thanh tra có hiệu quả. Vì vậy, trong năm 2014, ngoài việc xử lý, thu hồi tiền và tài sản về cho Nhà nước, chúng tôi đã chuyển sang cơ quan điều tra 55 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
- Việc xử lý sau thanh tra rất quan trọng vì nếu phát hiện mà không xử lý thì việc thanh tra sẽ không có ý nghĩa gì. Vậy năm 2015, Tổng Thanh tra có biện pháp gì để việc xử lý sau thanh tra được quyết liệt, triệt để dứt điểm?
- Trong năm 2015, chúng tôi tập trung vào một số lĩnh vực sau đây: Thứ nhất là thực hiện tốt định hướng kế hoạch thanh tra được Thủ tướng Chính phủ, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng phê duyệt; đi sâu vào các lĩnh vực nhạy cảm, có khả năng dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, đặc biệt là tập trung thanh tra trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hạn chế các khiếu nại vượt cấp, đông người, phức tạp.
Về công tác phòng chống tham nhũng tập trung trước hết vào xây dựng thể chế, gắn công tác tuyên truyền và thực hiện giải pháp phòng ngừa, đặc biệt là phát hiện, xử lý tham nhũng; phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng, để xử lý các vụ tham nhũng.
Mục tiêu của chúng tôi là năm 2015, phải thực hiện thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước đạt từ 70% trở lên. Muốn đạt được điều này thì phải nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra, quan tâm xử lý sau thanh tra. Nếu thực hiện tốt như vậy thì một mặt, sẽ giữ nghiêm pháp luật, mặt khác, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, nhân dân ngày càng nhiều hơn.
Chúng tôi đang xây dựng một Nghị định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành về xử lý sau thanh tra; đưa vào những chế tài thật mạnh, theo Luật Thanh tra, để làm sao buộc tổ chức và cá nhân, sau khi có kết luận thanh tra thì phải thực hiện. Phải thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, nhân dân tốt hơn.
- Nhân dịp năm mới, Tổng Thanh tra có chia sẻ gì với nhân dân, những người luôn quan tâm dõi theo các hoạt động của ngành Thanh tra?
- Trước hết, chúng tôi đề nghị bà con nhân dân các tỉnh phía Nam hiện nay còn lưu trú ở Hà Nội để khiếu nại tố cáo thì về sum họp với gia đình. Sau Tết, chúng tôi cùng các cấp chính quyền sẽ giải quyết đúng pháp luật, có tình, có lý các khiếu nại. Nếu bà con tiếp tục ở lại kéo dài sẽ vất vả, tốn kém tiền bạc của mình. Cơ quan Nhà nước được nghỉ 9 ngày nên cũng không thể tiếp xúc, giải quyết được cho bà con.
Chúng tôi xin cảm ơn nhân dân, các cấp, các ngành cũng như các cơ quan thông tin đại chúng đã đồng hành cùng chúng tôi trong năm 2014, giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao.
"Pháp luật về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng còn chưa được đầy đủ, hiệu lực chưa cao. Hệ thống tổ chức bộ máy chưa được chặt chẽ, còn một bộ phận chưa được rèn luyện tốt, đặc biệt là đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu chưa được tinh thông, cho nên còn hạn chế trong hoạt động của ngành. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo là lĩnh vực nhạy cảm, nên chúng tôi xác định muốn làm tốt thì phải có sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân", Tổng thanh tra Chính phủ nói. |
Theo Chinhphu.vn