Đến xưởng mộc của anh Đoàn Trung Hữu (44 tuổi, trú thành phố Huế, Thừa Thiên Huế), nhiều người trầm trồ với các sản phẩm hàng gia dụng, hàng nội thất mộc mỹ nghệ đang được người thợ mộc nơi đây chế tác. Đó là những mẫu tủ thờ mang hơi hướng Phật giáo, những chiếc ngai vàng, đèn làm bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo. Nhiều người ngạc nhiên hơn khi biết sản phẩm nơi đây do anh Hữu, một tiến sĩ Hán Nôm, thiết kế.
Với quan niệm "khách hàng là thượng đế, sản phẩm đến tay khách phải hoàn mỹ", anh Hữu rất chú ý đến các họa tiết trên từng sản phẩm mộc mỹ nghệ có đúng như thiết kế cam kết với khách hay không. Bởi vậy, hàng ngày anh đều có mặt tại xưởng mộc hướng dẫn thợ khắc chạm từng chi tiết nhỏ trên mỗi sản phẩm. Với cách làm việc gần giống thợ, anh Hữu rất được đội ngũ hơn 40 thợ trong xưởng mộc quý trọng.
Anh Hữu tâm sự: "Với nghề mộc, ban đầu tôi chỉ đơn thuần là người đam mê, thích sưu tập những tác phẩm gỗ lũa, tranh gỗ và sáng tác mỹ thuật trên gỗ, chứ không nghĩ lại lấy nghề mộc mưu sinh". Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngữ văn, anh chọn dịch Hán Nôm và dành 10 năm (2000-2010) tham gia cộng tác với nhóm dịch thuật Pháp Bảo Đại Tạng Kinh do Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh (TP HCM) chủ trương.
Mặc dù bận rộn việc điều hành xưởng mộc khi mới manh nha, nhưng anh Hữu vẫn theo học lớp cao học Hán Nôm tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Năm 2015, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Hán Nôm xuất sắc ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. “Nợ đèn sách xem như mình đã trả xong. Nhiều trung tâm nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành Hán Nôm ngỏ lời mời, nhưng mình không thể rời bỏ niềm đam mê gỗ”, anh Hữu tâm sự.
Nói về nghề mộc ở xứ Huế và Việt Nam, anh Hữu nhận xét, các nghệ nhân Việt Nam tay nghề rất giỏi, nhưng chỉ quanh quẩn với mẫu mã thông thường. Ít ai có cơ hội bay bổng, thỏa sức sáng tạo với nghề… Các hoa văn họa tiết của Trung Hoa dù được Việt hóa nhưng không thể rời xa khuôn mẫu của bộ ô hộc tứ linh: long, lân, quy, phụng (rồng, lân, rùa, chim phụng); tứ quý: mai, lan, cúc, trúc.
Các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở đều mang dấu ấn mỹ thuật của Phật giáo, kết hợp tinh hoa nghề truyền thống như các nghề chạm, khảm mộc của Huế, sơn mài, sơn son thếp vàng, bạc của làng nghề Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội). Khách đến đặt sản phẩm, chủ nhân đều tư vấn về mẫu mã, không gian của sản phẩm thiết kế như thế nào sao cho hợp phong thủy. Bởi vậy, anh Hữu nhận được nhiều đơn hàng thiết kế và thi công các công trình tư gia, nhà thờ lớn, khu du lịch… tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Hà Nội, TP HCM…
Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm mộc mỹ nghệ, tiến sĩ Đoàn Trung Hữu tiếp tục dịch thuật những tác phẩm Hán Nôm và theo đuổi nghiên cứu của riêng mình. "Nghĩ lại mình thấy dù không đi làm theo chuyên môn nhưng cái bằng tiến sĩ với kiến thức đã học được vẫn được sử dụng để làm thợ mộc. Thế cũng không uổng phí kiến thức rồi”, anh dí dỏm nói.
Võ Thạnh