- Từng chủ nhiệm bộ môn Lâm nghiệp đô thị của Đại học Lâm nghiệp, nay là Phó viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất, ông nghĩ sao về đề án chặt 6.700 cây xanh đang gây tranh cãi?
- Chủ trương của Hà Nội là đúng, nhưng chặt hàng loạt cây là vội vàng và quy trình thực hiện chưa chặt chẽ. 6.700 cây cần thay thế chỉ nên gọi là "6.700 cây thuộc loại cần theo dõi đặc biệt, thường xuyên", để từ đó phân loại nhóm nguy cơ cao hay thấp. Cứ tưởng tượng 6.700 cây nhân với diện tích tán mỗi cây trung bình 50 m2, nếu chặt đi thì Hà Nội mất bao nhiêu diện tích tán, độ che phủ, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học và môi trường như thế nào.
Hà Nội lấy lý do chặt những cây già cỗi, sâu mục và nguy hiểm, nhưng theo tôi cây cũng giống người "có sinh, có tử", nhất là trong đô thị do tác động của nhiều yếu tố, nấm bệnh sẽ xâm nhập. Nếu cây bị bệnh thì phải nghĩ cách chữa trị chứ không nên vội chặt ngay. Việt Nam có Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, chuyên nghiên cứu bảo tồn cây di sản, cây cổ thụ và nhiều viện nghiên cứu sâu bệnh hại cây, vì sao Hà Nội không nhờ họ đến xem xét và chữa trị cho cây.
Khi trồng mới cây phải có màu xanh ngay chứ không thể trồng cây như "cắm cái cọc", không có tán, không có lá.
- Ông đánh giá thế nào về quy hoạch cây xanh đô thị hiện nay ở Hà Nội?
- Không chỉ Hà Nội mà tất cả đô thị ở Việt Nam đều vướng mắc trong quy hoạch cây xanh, tức là chọn cây nào hoặc nhóm cây nào, cây nào trồng ở đâu. Một bộ phận quan niệm cây xanh chỉ để lấp chỗ trống nên trồng cho có, thậm chí thích chặt là chặt. Thực chất cây xanh giúp cân bằng sinh thái, chống biến đổi khí hậu, hoàn thiện kỹ thuật đô thị, làm đẹp và góp phần cho đô thị văn minh hơn. Cây xanh cũng là một trong những tiêu chí đánh giá văn minh và thương hiệu của đô thị.
Bên cạnh đó, kỹ thuật cắt tỉa cây cối ở Hà Nội chưa được quan tâm đúng mức. Trên thế giới, họ thực hiện việc cắt tỉa thường xuyên mỗi năm một đến hai lần, để tạo hình khối gọn gàng, tán lá tự nhiên và có thẩm mỹ cao. Họ cắt tỉa bớt cành phát triển kém và định hướng những cành phát triển tốt, phân bố đều theo các phía. Khi cây lớn, tán lá không bị lệch. Những cây còn khả năng cứu được thì người ta tìm những chỗ sâu bệnh, cạo nấm mốc, quét thuốc. Tiếp đó họ dùng chất như composit trám lại cho nước không ngấm và nấm mốc không xâm nhập. Như thế các phần gỗ sẽ phát triển dần, thu hẹp những khoảng mục rỗng và cây được cứu chữa.
Thế giới ngày nay còn chú trọng tính đa dạng sinh học trong đô thị. Các loài cây trồng đan xen hợp lý có thể hỗ trợ nhau phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh. Hà Nội không cần quá cầu toàn khi chặt hết cây đi để trồng cây mới, vì chúng ta phải chờ thời gian rất dài thì cây mới mọc đẹp lên như trước; cũng không nên vì một hai cây hỏng mà chặt cả dãy.
- Theo ông, các tuyến phố cổ vỉa hè hẹp và đường mới nên chọn cây xanh nào?
- Ở tuyến phố mới, vỉa hè rộng thì nên chọn những cây tán lớn, bóng mát như sấu, lát hoa, muồng đen, vàng anh, lim dẹt, bánh dày, thàn mát, bằng lăng, phượng vĩ, ngọc lan.
Ở những phố hẹp thì nên chọn cây có tán ổn định, kích thước thân tán không quá to. Có thể chọn một số loại cây thuộc họ cau dừa như cọ, cau ta hoặc tùng la hán, ban tây bắc. Cây cọ có tán 2,5-3 m, thân của nó khoảng 20-30 cm, khi trưởng thành kích thước thân lại không thay đổi. Hay ở các khu chung cư mang tính là vườn thì có thể trồng cây xoài, lộc vừng, sấu…
- Cây xà cừ được đánh giá là rễ nông, rất dễ đổ, nhất là vào mùa mưa bão gây nguy hiểm cho người dân nên không thích hợp trồng trong đô thị. Vì sao người Pháp lại trồng rất nhiều?
- Việc trồng cây có thích hợp hay không liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó sự quan tâm, chăm sóc của con người là rất quan trọng. Trước đây Pháp trồng cây xà cừ ở khu vực Ba Đình vì đường đi lúc đó không nhiều như bây giờ, nhà cửa lại thưa thớt, có khoảng lùi, nên phần đất trồng cây xà cừ rất rộng. Còn nay Hà Nội đã mở rộng hè đường, đất dành cho cây rất ít, quá trình đào bới, cây bị ảnh hưởng dẫn đến lệch tán và có thể đổ. Hơn nữa, trong quá trình duy trì, người chăm sóc cứ thấy cành nào nghiêng là chặt mà không chú ý chặt cắt tỉa định hướng cân đối trở lại, nên càng chặt càng ngả.
Cây xà cừ lấy bóng mát rất tốt vì tán rộng, thích hợp với không gian rộng như vành đai xanh, hành làng xanh hay đại lộ lớn. Nếu được chăm sóc tốt thì nó vẫn thích hợp trồng trong đô thị. Mọi người nếu để ý sẽ thấy làm gì có cây xà cừ nào trong công viên hoặc trên đường Lê Duẩn bị đổ. Bởi những nơi đó vỉa hè rất rộng, tán cây không bị ảnh hưởng. Nhưng nó đang bị chặt đi để thay thế là vì sao.
Hay như cây bàng thường rụng lá vào mùa đông và cũng có nhiều sâu róm, nhưng cũng có thể là loại cây trồng được trong đô thị nếu có quy hoạch tốt. Phương án tốt nhất là nên trồng loài cây này ở những nơi thoáng rộng như trường học, công viên, vườn hoa…
- Nhắc đến một thành phố hay một đất nước nào đó, người ta thường nhớ đến một loài cây biểu tượng, như Nhật Bản là anh đào. Ông nghĩ sao nếu Hà Nội lựa chọn một loài cây biểu tượng nào đó?
- Hà Nội cũng nên quy hoạch trồng loài cây nào đó thật đẹp, kết hợp hoa lá bên dưới để tạo trục cảnh quan chính của thủ đô.
Theo tôi, có hai cây rất đẹp là sấu và vàng anh. Chúng đều được trồng rất lâu ở Hà Nội, sinh trưởng phát triển khá tốt. Thân cây sấu rất đẹp, tán lá dày thành khối rõ và có màu sắc tươi sáng, xanh tự nhiên. Vàng anh có bộ hoa đẹp, nở rực rỡ, ấn tượng. Việt Nam chưa có đô thị nào phát triển nhiều loài hoa này nên nếu trồng để tạo đặc trưng cũng là phương án cần lưu ý. Tuy nhiên, cũng phải có bàn bạc và trưng câu dân ý mới tiến hành được.
- Có nhiều nghiên cứu về cây đô thị, theo ông Hà Nội cần làm gì để giải quyết tồn tại trong quy hoạch cây xanh?
- Sau khi đã quy hoạch không gian xanh, phải quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị và nên coi đây là một hạng mục độc lập, nghiên cứu một cách chi tiết. Việc quy hoạch cây xanh phải giải quyết tốt các công việc từ chọn loài cho đến sắp xếp chủng loại cây trồng cho từng không gian. Ví dụ cây xanh công viên gồm những loại nào, cây xanh đường phố, dân cư thì ra sao... Sau khi có định hướng như vậy thì mới có căn cứ phát triển hệ thống cây xanh bền vững.
Đơn vị hay cá nhân làm công tác quy hoạch phải có đủ năng lực chuyên môn. Hiện công tác nghiên cứu quy hoạch cây xanh chủ yếu giao cho một vài đơn vị theo tôi là chưa tối ưu. Các nước phát triển chủ yếu giao việc quy hoạch thiết kế và quản lý không gian xanh cho các sở hoặc các đơn vị chuyên ngành về kiến trúc cảnh quan thực hiện, rất tiếc chúng ta chưa làm được việc này.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần chọn những cây tốt, đáp ứng các yêu cầu như khó đổ, có bóng mát, xanh quanh năm và có thêm màu sắc để tạo thêm mỹ quan cho thành phố. Ví dụ, cây sấu có rễ cọc nhưng rất khó đổ, trong khi cây xà cừ thì lại nhanh đổ, nhất là vào mùa mưa bão sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Vị chuyên gia dẫn chứng, trước đây Pháp từng chọn cây gạo để trồng ở Vĩnh Tuy. Họ trồng không sát mặt đường mà cách khoảng 5 m, cây gạo mọc thẳng và tán đưa ngang, vẫn tạo bóng mát mà không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của người lái xe. Trong khi đó, gần khu dân cư thì không nên trồng hoa sữa vì mùi hắc của nó sẽ gây khó chịu cho mọi người. Ở góc độ môi trường, theo tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đề án của Hà Nội không có cơ sở khoa học và chưa tính toán được tác hại khi không có cây xanh. Việc chặt tỉa những cây hư hỏng, mục, dễ gãy là bình thường và lâu nay Hà Nội vẫn làm, nhưng nếu chặt tất cả 6.700 cây thì không nên. "Trung bình mỗi năm, mỗi cây hấp thụ 14 kg CO2, và nhả khí O2 giúp điều hòa không khí. Nhất là ở Hà Nội, nhà cửa đông đúc thì càng cần cây xanh. Không có cây xanh sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề về bệnh tật, sức khỏe", vị chuyên gia này nói. |
Hương Thu