Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các công ty Thủy điện Buôn Kuốp và Đại Hải - hai doanh nghiệp đang quản lý 4 dự án thủy điện trên sông Srêpôk phải đảm bảo xả nước với lưu lượng ít nhất 100 m3 mỗi giây qua đập thủy điện Srêpôk 4 trong thời gian 14-15h ngày 13/3.
Trước đó, báo cáo của huyện Buôn Đôn cho hay lễ hội sẽ diễn ra trong các ngày 12-14/3 với các phần chính như cúng bến nước, tắm cho voi, đua voi. Tuy nhiên, do phần lớn hồ thủy điện trên thượng nguồn sông Srêpôk đã về dưới mức nước chết 3-7 m vì khô hạn kéo dài nên tỉnh chỉ yêu cầu xả nước trong một giờ nhằm đáp ứng đủ nước cho phần đua voi vượt sông.
Chia sẻ với người dân địa phương và đồng ý với địa phương về việc xả nước cho lễ hội đua voi song các nhà máy của công ty Buôn Kuốp buộc phải xin ý kiến Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc chạy cầm chừng và ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh.
Cụ thể, đơn vị đang quản lý các nhà máy Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3 cho hay do lượng nước về hồ trong mấy ngày qua đều thấp hơn con số 100 m3/s nên cần tiếp tục tích nước. Theo đó, thủy điện Srêpôk 3 kiến nghị cần tiếp tục tích nước từ ngày 8 đến 12/3 mới có thể đủ để xả cho hai thủy điện phía hạ nguồn là Srêpôk 4 và 4A có nguồn cung cấp cho lễ hội.
Đến sát giờ hội đua voi, nhà máy này mới tăng công suất chạy máy từ 70 lên 105 MW để tương ứng với lượng nước xả xuống hạ du mức 200 m3/s.
Trong khi đó, trao đổi với VnExpress, lãnh đạo thủy điện Srêpôk 4 cho biết sẽ sẵn sàng xả nước theo yêu cầu của địa phương trong trường hợp được các thủy điện bậc thang phía trên “chia nước”.
“Khác với các nhà máy phía trên của Buôn Kuốp là xả nước thông qua phát điện, nghĩa là vẫn thu được lợi nhuận thì việc xả nước của Srêpôk 4 hoàn toàn là mở cửa đập chứ không có chạy máy để thu về kWh giờ điện nào. Dù chưa tính toán được thiệt hại là bao nhiêu nhưng công ty cam kết chia sẻ với địa phương”, một phó giám đốc nhà máy nói.
Theo vị này, trong trường hợp nhà máy liền trên là Srêpôk 3 xả xuống 200 m3/s thì Srêpôk 4 đủ nước để xả tối thiểu 100 m3/s như yêu cầu của tỉnh Đăk Lăk.
Đại diện sở Công Thương Đăk Lăk cho biết lễ hội voi ngoài ý nghĩa tâm linh, văn hóa với người dân Buôn Đôn còn đóng lớn cho phát triển kinh tế du lịch nên thủy điện phải có trách nhiệm chia sẻ. Dù vậy, để tránh tình trạng này tái diễn, cơ quan này đã kiến nghị UBND tỉnh giao cho sở chủ trì lập dự án xây dựng đập giữ nước tại lưu vực sông diễn ra lễ hội đua voi.
Hồi đầu tháng này, huyện Buôn Đôn đã công bố chương trình chi tiết Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016. Lễ hội chính thức diện ra từ ngày 12 đến 14/3 với nhiều hoạt động văn hóa: Lễ cúng bến nước; Cúng thần linh; Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Trình diễn trang phục của các dân tộc; Đua voi; Voi vượt sông; Hội thi văn hóa ẩm thực; Trưng bày giới thiệu về dụng cụ bắt, thuần dưỡng voi của người dân tộc bản xứ…
Đặc biệt, trong phần Lễ hội đua voi, 18 con voi khỏe mạnh nhất, trong độ tuổi 18-45 sẽ được tập hợp để làm đại diện cho 18 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn huyện Buôn Đôn. Tại lễ hội, voi sẽ tham gia vào các phần thi đá bóng, thi chạy và thi bơi vượt sông Sêrêpốk.
Chí Hiếu