Trưa 4/8, kiểm tra kho hàng của Công ty Bảo Khang tại quận Gò Vấp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn thanh tra xác định loại thực phẩm chức năng chiết xuất từ trái thanh long được công ty này in quảng cáo như một loại thuốc điều trị giảm béo hiệu nghiệm.
"Thực phẩm Express Slimming được quảng cáo 'các hợp chất trong thuốc sẽ giúp chuyển hóa chất béo thành calori cho hoạt động cơ thể, giúp giảm cân nhanh chóng, an toàn qua hệ bài tiết và tiêu hóa' là hoàn toàn sai với quy định bởi đây không phải là thuốc và không có khả năng điều trị", ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó An toàn thực phẩm nói sau khi kiểm tra các nội dung quảng cáo.
Cũng theo ông Phong, đây là cách thổi phồng thực phẩm thành thần dược, là kiểu "treo đầu dê bán thịt chó", bởi trên thực tế, Cục An toàn thực phẩm chỉ cấp cho sản phẩm này được phép quảng cáo "Giúp hạn chế khả năng hấp thụ chất béo trong thức ăn; giúp giảm hàm lượng chất béo được hấp thụ và giúp hạn chế khả năng béo phì". "Có nghĩa đây chỉ là thực phẩm mang tính hỗ trợ", Cục phó khẳng định.
Cho rằng việc thổi phồng chức năng của sản phẩm như trên có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm, Bộ trưởng Y tế yêu cầu công ty Bảo Khang tiêu hủy toàn bộ tài liệu quảng cáo hiện có, thu hồi tài liệu đã phát hành, đồng thời bỏ toàn bộ thông tin quảng cáo sai sự thật trên website của công ty và các phương tiện truyền thông.
Cùng ngày tại quận 7 (TP HCM), đoàn làm việc cũng kiểm tra đột xuất Công ty Savipharm, nơi có một số mặt hàng thuộc nhóm thực phẩm chức năng đang lưu hành trên thị trường. Song song với việc kiểm tra sổ sách, đoàn đã đến khu sản xuất và lấy mẫu các sản phẩm thành phẩm để kiểm tra đối chiếu với công bố.
Không phát hiện sai phạm tại Savipharm, song Bộ trưởng Y tế cũng yêu cầu người đại diện công ty giải thích nội dung về tác dụng của sản phẩm được in trên bao bì đồng thời nhắc nhở các công ty phải tuân thủ đúng việc công bố công dụng của thực phẩm để tránh gây hiểu nhầm.
“Mục đích chính của thực phẩm là phục vụ sức khỏe người dân. Chính vì thế việc quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá chức năng của sản phẩm khiến người dân hiểu nhầm là không nên”, bà Tiến nhắc nhở.
Người đứng đầu ngành Y tế cũng cảnh báo, Bộ sẽ tiếp tục và liên tục kiểm tra đột xuất nhằm chấn chỉnh chất lượng và khâu quảng cáo của các sản phẩm đang có mặt trên thị trường. “Nơi nào làm tốt thì biểu dương, nơi nào sai phạm sẽ bị công khai danh tính để người dân biết và tự quyết định khi chọn mua”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết, ngoài sai phạm của Công ty Bảo Khang vừa được phát hiện, qua kiểm tra từ đầu năm đến nay, Cục cũng đã xử phạt gần 30 công ty kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng. Nội dung vị phạm thường thấy là quảng cáo sai về người sử dụng, thành phần cấu tạo, công dụng. Một số mẫu quảng cáo khiến người đọc dễ nhầm thực phẩm có khả năng chữa bệnh như thuốc.
Thiên Chương