Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm rõ chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định 67. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra việc đóng tàu kém chất lượng ở Bình Định và một số địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ trên. Trong tháng 8, các bộ phải báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gửi Thủ tướng, trên cơ sở kết quả công bố của UBND các tỉnh, thành phố ven biển, Bộ Nông nghiệp đã tổng hợp và công bố 213 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá. Trong số hơn 1.900 chủ tàu được phê duyệt đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 981 chủ tàu. Số tiền cam kết cho vay là 9.710 tỷ đồng, đã giải ngân gần 8.800 tỷ đồng.
Đến 31/5, số tàu đóng xong đi vào hoạt động là 666. "Theo báo cáo của các địa phương, tàu cá đóng mới đi vào hoạt động đa số đạt hiệu quả khá, nhiều tàu đã trả nợ vốn và lãi ngân hàng theo hợp đồng tín dụng", báo cáo của Bộ Nông nghiệp nêu rõ.
Trong quá trình hoạt động, 18 tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định đã xảy ra sự cố, hư hỏng. Số tàu cá trên do hai công ty TNHH một thành viên Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng.
Tỉnh Phú Yên có 2 tàu vỏ thép (trong tổng số 5 tàu) bị hư hỏng máy phát điện và cần cẩu. Cơ sở đóng tàu và chủ tàu đã kịp thời khắc phục, sửa chữa và tàu đã hoạt động bình thường.
Tỉnh Thanh Hóa đã rà soát 23 tàu vỏ thép được đóng mới đưa vào hoạt động, có 18 tàu bị trục trặc về máy phát điện, cần cẩu, tời, hầm bảo quản. Chủ tàu đã phối hợp với cơ sở đóng tàu khắc phục sửa chữa, đa số tàu đã hoạt động bình thường. Còn 2 tàu đang còn đậu ở cảng để sửa chữa máy phát điện.
Tỉnh Quảng Nam đóng mới 35 tàu vỏ thép, 34 tàu hoạt động bình thường, tàu còn lại đã hạ thủy nhưng chưa hoạt động vì chủ tàu không chấp nhận máy chính do cơ sở đóng tàu lắp đặt. Các tỉnh còn lại vẫn tiếp tục kiểm tra, rà soát.
Trước thực trạng đó, Bộ Nông nghiệp đề nghị Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan yêu cầu cơ sở đóng tàu có kế hoạch cụ thể khắc phục sai phạm. Đồng thời giám sát việc khắc phục hư hỏng của tàu cá, để sớm đưa tàu cá trở lại hoạt động.
Bộ Nông nghiệp sẽ tiếp tục cử các đoàn công tác phối hợp với UBND tỉnh Bình Định khẩn trương khắc phục và làm rõ nguyên nhân sự cố. Bộ này đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (trực thuộc Bộ Công an) nghiêm túc khắc phục, sửa chữa các tàu cá bị hư hỏng. Dừng các hợp đồng đóng mới tàu cá với công ty này cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan thẩm quyền.
Bộ Nông nghiệp cũng đề nghị Chính phủ xem xét đề xuất của UBND tỉnh Bình định về việc điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự với các cơ sở đóng tàu có hành vi gian lận trong thực hiện hợp đồng mới tàu cá. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét việc gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ không hoạt động sản xuất.
Tháng 7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Sau hơn một năm triển khai, chính sách này được sửa đổi, bổ sung một số điều thành Nghị định 89. Theo đó, cả nước sẽ đóng mới 2.079 tàu đánh bắt xa bờ, 205 tàu dịch vụ hậu cần. Tháng 8/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và công bố 21 mẫu thiết kế kỹ thuật tàu cá vỏ thép khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ. Theo chính sách này, ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm. Trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. |