Ngày 19/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, dẫn đầu đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do lãnh đạo Chính phủ giao tại Bộ Lao động, thương binh và xã hội
"Chính phủ quyết tâm không để nhiệm vụ bị quá hạn, nếu có mắt xích nào trong bộ máy trục trặc là phải biết và chỉnh sửa ngay", ông Dũng nói và cho rằng, lĩnh vực Bộ Lao động quản lý nhà nước là rất quan trọng, liên quan đến an sinh xã hội.
Theo ông, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ lao động làm rõ 8 vấn đề.
Đầu tiên là chính sách với người có công. Cụ thể, nhiều trường hợp kê khai đề nghị hưởng chính sách nhưng chưa được hoặc hưởng không đầy đủ; vẫn còn tình trạng hồ sơ giả, cán bộ ở cơ sở lợi dụng quyền hạn để trục lợi… Thủ tướng đã yêu cầu Bộ khẩn trương nghiên cứu, tham mưu việc sửa đổi căn bản chính sách với người có công.
Tổ trưởng công tác nhắc lại câu chuyện một Phó chủ tịch xã ở Hà Nam khi còn làm cán bộ lao động đã trục lợi hơn 30 triệu đồng của các đối tượng chính sách. “Ngay lập tức cán bộ đó phải nghỉ việc, bị khởi tố, số tiền tuy không lớn nhưng có ý nghĩa sâu xa. Nhà cán bộ 2 tầng nhưng nhà các đối tượng chính sách lại rất nghèo, việc này không thể chấp nhận được. Nếu đạo đức cán bộ không tốt thì rất dễ lợi dụng những kẽ hở của chính sách”, ông Dũng nói.
Các vấn đề tiếp theo là, dạy nghề được đầu tư lớn nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng; lao động, việc làm, tiền lương trong bối cảnh nhiều sinh viên ra trường không có việc làm...
"Các chính sách về lao động cần sự đồng thuận của người dân, để đảm bảo hiệu quả thì trước khi ban hành Bộ cần nghiên cứu kỹ, ví dụ vấn đề tuổi nghỉ hưu, về quỹ bảo hiểm xã hội", ông Dũng nói.
Theo Tổ công tác, tình trạng xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều nơi, từ Hà Nội, Vũng Tàu, TP HCM cũng là vấn đề dư luận bức xúc, liên quan tới luân thường đạo lý nên Bộ cần có nhiều giải pháp từ giáo dục đến răn đe, ngăn ngừa.
Ngoài ra, ông Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Lao động giải trình rõ 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong tổng số 483 nhiệm vụ mà cơ quan này được giao. Đó là chậm ban hành quy trình giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, xây dựng nghị quyết về cai nghiện tự nguyện và Luật bảo vệ trẻ em.
Tiếp thu ý kiến và lần lượt giải trình 8 vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu làm rõ, 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành, Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung nói một năm qua đã có những lĩnh vực chuyển biến tích cực song còn nhiều vướng mắc. "Bộ quản lý đa lĩnh vực, sát sườn với đời sống người dân, nhiều vấn đề nhạy cảm nên không phải cái gì mình muốn là làm được ngay", ông nói.
Chính phủ giao đến tháng 2/2017, Bộ hoàn thiện, ban hành quy trình giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin song đến nay vẫn chưa xong. Theo ông Dung, giám định ADN là việc hệ trọng, mang tính khoa học, chỉ cần nhầm một trường hợp thì liên quan rất nhiều người. Cá nhân ông phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết vụ việc một ngôi mộ ở Hà Tĩnh tranh chấp 10 năm nay rồi chưa xong, vì không đơn giản.
Bộ Lao động được giao nhiệm vụ nhưng việc thực hiện lại thuộc Bộ Quốc phòng. Cục người có công (Bộ Lao động) cùng Cục khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng) sẽ giải quyết dứt điểm việc bàn giao hồ sơ nghiên cứu, và Bộ Lao động đề xuất Chính phủ giao việc này cho Bộ trưởng Quốc phòng.
Việc xây dựng nghị định cai nghiện ma tuý tự nguyện vướng mắc ở chỗ cai nghiện bắt buộc thì được hỗ trợ kinh phí "từ đầu đến chân" còn tự nguyện thì không. Ông Dung cho biết, mới đây đã họp bàn với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, thống nhất là việc cai nghiện tự nguyện sẽ được hỗ trợ 70%.
Bộ trưởng Lao động cho rằng đây là dịp để Bộ nhìn lại xem đã làm được những gì, với tinh thần cầu thị "nói thẳng nói thật, nói đến đâu làm được đến đó, tránh việc ra một chính sách chưa xong đã phải sửa".
Học kinh nghiệm của Văn phòng Chính phủ, tổ công tác của Bộ Lao động sẽ kiểm tra cụ thể, từng ngày tiến độ giải quyết việc của các cục, vụ với tinh thần "biết xấu hổ khi người ta cải cách, đổi mới mà mình vẫn ì một chỗ".
Hoàng Phương