Chiều 1/5 tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông đã có cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường.
Nhận định hiện tượng cá biển chết ở miền Trung là sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần có trách nhiệm thảo luận với nhau để đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân hiện tại lẫn lâu dài, "không để xảy ra trường hợp tương tự về thảm họa môi trường".
Các Bộ trưởng được yêu cầu phải tìm giải pháp cụ thể, toàn diện để người dân ra khơi đánh bắt, giải quyết những vấn đề mà họ mong mỏi. "Trên tinh thần là không để người dân đói", Thủ tướng nói.
Nhằm sớm giải đáp nguyên nhân cá chết, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành điều tra, đưa ra kết luận cụ thể, chặt chẽ, khoa học. "Dù bất cứ cơ quan, tổ chức cá nhân nào vi phạm cũng không được bao che", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh xảy ra hiện tượng cá chết đề nghị Chính phủ sớm làm rõ và công bố nguyên nhân, có chính sách hỗ trợ ngư dân, "thông tin rõ ràng, không úp mở".
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ cần sớm công bố vùng an toàn để dân khai thác vì hiện dân hỏi chúng tôi không biết để trả lời dân", ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nêu thực tế: "Người dân muốn đi biển chứ không muốn nhận gạo".
Trước ý kiến của lãnh đạo các địa phương, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận các bộ ngành, cơ quan nghiên cứu khoa học dù đã nỗ lực nhưng việc điều phối, triển khai trước thảm họa môi trường còn lúng túng, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. "Chúng tôi cũng như các bộ ngành sẽ làm hết sức trách nhiệm với tinh thần công tâm, khoa học để sớm giải tỏa mối lo này", ông Hà hứa.
Chia sẻ với thiệt hại của nhân dân, Thủ tướng nhìn nhận đây là sự việc bất thường, lần đầu tiên xảy ra tại nước ta nên cần thận trọng, chắc chắn. Ông cũng ghi nhận các địa phương đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tích cực phối hợp giải quyết vấn đề, hỗ trợ nhân dân bước đầu khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Tuy vậy, theo Thủ tướng, một số địa phương còn bất cập như chậm trễ trong đề xuất giải pháp xử lý, quản lý môi trường chưa tốt, chưa kịp thời quan trắc nước thải ở các nhà máy liên quan. Một số đối tượng kích động, lôi kéo quần chúng gây rối, làm phức tạp tình hình.
Đề nghị các bộ nỗ lực cao nhất để điều tra nguyên nhân, hỗ trợ ngư dân tốt nhất, Thủ tướng đặc biệt yêu cầu làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng kích động, lôi kéo người dân tụ tập, gây rối làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây thiệt hại về kinh tế, bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và môi trường đầu tư.
Thủ tướng đồng ý cấp 4.500 tấn gạo cho ngư dân đánh bắt xa bờ với mức 15 kg/người trong một tháng rưỡi; miễn lãi suất 6 tháng với ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67.
Đầu tháng 4, từ lồng cá nuôi gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị chết, hiện tượng dần lan theo hướng Bắc - Nam đến Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Thống kê đến ngày 25/4, bốn tỉnh ven biển phát hiện gần 70 tấn cá tự nhiên chết, chủ yếu là các loài sống ở tầng đáy gần bờ.
Kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên công bố tối 27/4 cho biết độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa là nguyên nhân gây thảm hoạ. Tuy nhiên, nhận định này vấp phải một số ý kiến không đồng tình.
Trong khi nguyên nhân chưa sáng tỏ, ngư dân đánh bắt xa bờ bị ảnh hưởng nặng nề bởi hải sản rớt giá, không ai thu mua, một số khu lịch vắng khách. Để tháo gỡ cho người dân, nhiều tỉnh đã thực hiện các biện pháp khẩn, cấp chứng nhận kiểm định cá an toàn, tổ chức thu mua cá đánh bắt xa bờ cho người dân. Nhiều lãnh đạo Trung ương và địa phương thậm chí xuống biển tắm, ăn hải sản để xoá bỏ tin đồn tiêu cực.
Kiểm tra các doanh nghiệp có nguồn thải ra biển Chiều 30/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát thông báo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về việc cần tiếp tục quyết liệt hơn trong xác định nguyên nhân do hoạt động kinh tế phát thải trực tiếp ra môi trường biển, trong đó tập trung vào khu vực có Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Thông báo yêu cầu lập trạm quan trắc chất lượng nước thải, lập đoàn đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của tổ chức khoa học trong nước và ngoài nước, đánh giá độc lập với các doanh nghiệp có nguồn thải ra môi trường biển, kiểm toán một cách khoa học tất cả các nguồn chất thải. Đoàn kiểm tra bắt đầu hoạt động từ ngày 5/5 và duy trì đến khi kết thúc công tác kiểm tra này. |
Đức Hùng