Báo cáo trước Chính phủ và các địa phương chiều ngày 24/12, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, năm 2012 có 3.780 đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài và năm 2013 dù có giảm nhưng vẫn tới hơn 3.200 đoàn xuất ngoại. Như vậy, ước tính mỗi ngày có hơn 8 đoàn đi công tác nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước.
Theo ông Minh, vấn đề ở chỗ có một số đoàn đi không hiệu quả và bị trùng lặp nội dung tham quan. "Số đoàn này chủ yếu đi với tư cách nghiên cứu. Nhiều nước bạn phản hồi, có vấn đề vừa trả lời đoàn này, một thời gian ngắn sau lại có đoàn khác sang hỏi câu tương tự. Điều này gây nên sự lãng phí tiền của đất nước”, ông Minh nói.
Trả lời VnExpress.net cách đây không lâu, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng kể lại: "Một sứ quán ở nước ngoài nói với tôi, bình quân mỗi năm đón tiếp 200-220 đoàn công tác từ Việt Nam sang, có đoàn tới 60 người. Những chuyến đi như vậy có cần đoàn đông đến thế không, chi phí tốn kém nhưng đã hiệu quả chưa".
Nghe báo cáo từ Bộ trưởng Minh, Thủ tướng nói: "Tôi thấy đi nước ngoài nhiều quá, nghe báo cáo thấy có đoàn Việt Nam đến người ta sợ. Rồi tham quan, giao lưu, tiếp khách,… chi phí vẫn quá lớn. Tôi đề nghị các bộ, ngành địa phương hết sức chú ý". Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu chấn chỉnh ngay để đất nước không phải xấu hổ vì có quá nhiều đoàn đi công tác nước ngoài như vậy. "Đề nghị Bộ Ngoại giao rà soát lại và có đề xuất kiểm soát số lượng người đi nước ngoài", Thủ tướng chỉ đạo.
Không chỉ lãng phí từ việc cử cán bộ đi công tác như trên, nhiều địa phương cũng nhắc tới chuyện "vi hành" trong nước của một số bộ, ngành nhân buổi đối thoại với Chính phủ. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh chia sẻ, có ngày tỉnh tiếp tới 70 đoàn công tác. Có đoàn vào tới 3 tuần hoặc hơn một tháng. "Chi phí ăn ở đi lại quá tốn kém, gây lãng phí”, ông nói. Do đó, vị lãnh đạo tỉnh An Giang đề nghị cần thống nhất việc tổ chức đoàn công tác tránh trùng lặp.
Theo dự thảo điều hành kinh tế xã hội năm 2014, Chính phủ cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục rà soát và cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu công, trong đó có chi phí công tác nước ngoài của cán bộ.
Kết luận tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương chiều 24/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các địa phương chuẩn bị cho dịp Tết Giáp Ngọ. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cân đối hàng hóa cho đủ, tránh để tăng giá và có tình trạng đầu cơ sốt giá vào cuối năm. "Ngoài ra, trong Tết, giao thông cũng phải đảm bảo đi lại cho dân. Đặc biệt, năm nay phải giảm tai nạn giao thông", Thủ tướng chỉ đạo.
Thanh Thanh Lan