-
15h00
Hội đồng bầu cử Quốc gia bắt đầu buổi họp báo công bố kết quả bầu cử và danh sách người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá 14. Chủ trì là Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng ban công tác đại biểu Trần Văn Tuý, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
-
15h03
Đại diện Hội đồng bầu cử quốc gia, ông Trần Văn Túy cho biết, tổng số cử tri cả nước gần 67,5 triệu, tổng số tham gia bỏ phiếu là hơn 67 triệu, đạt 99,35%. Trong đó tỉnh Thừa Thiên - Huế cao nhất với 99,99%, Yên Bái 99,98%, Quảng Nam và Bình Thuận 99,97%, Lai Châu 99,96%...
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được 86,47% số phiếu bầu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang được 75,08%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được 99,48%, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được 91,46%. Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đạt tỷ lệ phiếu 87,16%. Bí thư Thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng đạt tỷ lệ phiếu 85,02%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trúng cử với tỷ lệ phiếu cao nhất, đạt 99,48%. Trước đó, ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 12 (năm 2007) tại Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đạt số phiếu cao nhất với 99,07%.
Tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 14 là 870. Tổng số đại biểu trúng cử trong ngày 22/5 và bầu thêm ngày 29/5 ở Cần Thơ là 496. 4 tỉnh bầu thiếu đại biểu là Sóc Trăng, Sơn La, Lâm Đồng, Đồng Nai, mỗi tỉnh bầu thiếu một đại biểu so với số được phân bổ.
-
15h07
Đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu có 182 người trúng cử (đạt 36,7%), ít hơn so với dự kiến 15 người. Đại biểu do các cơ quan, tổ chức địa phương giới thiệu là 312.
Đại biểu tự ứng cử có 2 người (đạt 0,4%), giảm 0,4% so với khoá 14 (có 4 người). Đó là ông Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) trúng cử với số phiếu 66,26% và ông Phạm Quang Dũng (Nam Định) đạt số phiếu 69,77%.
-
15h12
Về cơ cấu, có 86 đại biểu người dân tộc thiếu sổ (17,3%), đại biểu nữ là 133 (chiếm 26,8%), đại biểu ngoài Đảng 21 (4,2%), đại biểu dưới 40 tuổi có 71 (14,3%). Số đại biểu tái cử là 160 (32,3%), có 317 người tham gia Quốc hội lần đầu (63,9%).
Về trình độ, 310 đại biểu có trình độ trên đại học (62,5%), 180 người có trình độ đại học (36,3%), dưới đại học có 6 người (chiếm 1,2%).
Ông Trần Văn Tuý khẳng định qua kết quả ban đầu cho thấy chất lượng đại biểu đã được nâng lên, kỳ vọng đáp ứng các yêu cầu trong thời kỳ mới của hoạt động Quốc hội.
-
15h25
Danh sách 496 đại biểu Quốc hội khóa 14 (xem tại đây)
17 thành viên Chính phủ trúng cử gồm:
1. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đạt tỷ lệ 99,48%.
2. Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, 81,19%
3. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, 95,32% 4.
4. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, 83,44%
5. Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, 95,87%
6. Bộ trưởng Công an Tô Lâm, 95,16%
7. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, 84,89%
8. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến, 79,83%
9. Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, 88,24%
10. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, 84,02%
11. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, 95,44%
12. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, 65,55%
13. Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, 75,22%
14. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa, 81,88%
15. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, 67,81%
16. Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, 75,72%
17. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, 88,28% -
15h30
Sau phần báo cáo ngắn gọn là phần trả lời câu hỏi của phóng viên. Tham dự cuộc họp báo có đại diện của cả trăm cơ quan báo chí và cả phóng viên quốc tế.
Hỏi: Theo quy định cử tri phải tự đi bầu, nhưng báo cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia cho thấy vẫn còn tình trạng bầu hộ bầu thay, vậy kết quả có ảnh hưởng đến kết quả? Có được công nhận?
Ông Phùng Quốc Hiển: : Vừa qua có một số đơn thư gửi đến Hội đồng bầu cử Quốc gia nói có tình trạng bầu hộ, chúng tôi cho tiến hành kiểm tra, giao ủy ban bầu cử các tỉnh kiểm tra lại. Kết quả cho thấy một ý kiến là nặc danh.
Một số cử tri cũng nêu gia đình có 6 người, đi bầu cử nhưng không hiểu biết, có người đi làm ăn xa nên có việc bỏ phiếu thay cho những người trong gia đình. Đây là sai, nhưng những cái sai này do thiếu hiểu biết, không nghiêm trọng và không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Cho nên Hội đồng bầu cử Quốc gia và Ủy ban bầu cử tại địa phương đã chấn chỉnh. Vì kết quả bầu cử không bị ảnh hưởng nhiều do số phiếu bỏ hộ không lớn. Những nơi có bầu hộ, bầu thay làm sai lệch nghiêm trọng thì Hội đồng đã huỷ bỏ kết quả bầu cử đó và yêu cầu bầu lại. Như vậy việc triển khai hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật.
-
15h32
Hỏi: Quá trình hiệp thương đã loại một số ứng cử viên được cử tri nơi công tác, cư trú giới thiệu gây phản ứng không tốt, ông đánh giá thế nào về việc này?
Ông Phùng Quốc Hiển: Vấn đề này đã được trao đổi ở cuộc họp trước. Những ứng cử viên đó được cử tri nơi cư trú, cử tri nơi công tác giới thiệu, tuy nhiên lên hiệp thương vòng 3 ở tầm rộng hơn đã có ý kiến và biểu quyết là chưa đủ điều kiện để tham gia ứng cử làm đại biểu Quốc hội, vì vậy họ không nằm trong danh sách. Điều đó cần rút kinh nghiệm, để trong quá trình tổ chức bầu cử đảm bảo đồng thuận từ trên xuống dưới.
Hỏi: Ông bình luận gì về tỷ lệ 95,8% đại biểu là đảng viên, trong đó có gần 100 uỷ viên ban chấp hành trung ương Đảng trúng cử - một con số kỷ lục?
Ông Phùng Quốc Hiển: Khi chuẩn bị cho cuộc bầu cử, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu đã được dự kiến. Họ đại diện cho các thành phần, giai tầng, cơ quan. Những ủy viên Trung ương phần lớn ở cơ quan quan trọng các bộ, ngành, địa phương. Việc họ trúng cử nằm trong dự kiến cơ cấu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Mặt trận đã xem xét hiệp thương đúng định hướng, góp phần vào vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan lập pháp, cơ quan đại biểu của nhân dân và cơ quan quyền lực của đất nước.
-
15h34
Hỏi: Kỳ này bầu được 496 đại biểu, thiếu 4 người. Vậy việc bầu thiếu số lượng đại biểu có ảnh hưởng gì?
- Ông Trần Văn Tuý: Chúng ta có 67 triệu cử tri đi bầu, số lượng là rất lớn. Chúng ta quy định bầu không vượt quá 500 nên thiếu vài đại biểu không ảnh hưởng gì. Việc bầu cử đảm bảo công bằng, chất lượng, nên ai không trúng cử cũng không có gì băn khoăn.
Cơ cấu có 6 người do Mặt trận Tổ quốc giới thiệu mang tính đại diện, và dự kiến tăng đại biểu chuyên trách (tăng 15 đại biểu so với khoá 13) nên việc bầu thiếu cũng có ảnh hưởng nhất định đến bố trí nhân sự. Nhưng qua rà soát ban đầu thì việc ảnh hưởng này không lớn. Sau này qua hoạt động thực tiễn của Quốc hội, các cơ quan sẽ có cơ hội lựa chọn, bổ sung.
Các địa phương không bầu đủ không có mẫu số chung, mỗi nơi một đặc điểm. Các ứng cử viên phải tạo ra điểm khác biệt để cử tri lựa chọn.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Vấn đề bầu thiếu đại biểu không phải là mới, các nhiệm kỳ trước đã có. Quốc hội khoá này thiếu 4 đại biểu, khoá 9 thiếu 5, khoá 11 thiếu 2, khoá 12 thiếu 7... Kỳ này cấp Hội đồng nhân dân thiếu 8 trên tổng số gần 4.000 (khoảng 0,2%). Như vậy số thiếu rất nhỏ so với tổng số đại biểu.
-
15h36
Hỏi: Tỷ lệ tái cử thấp, điều này ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng hiệu quả và tính chuyên nghiệp của Quốc hội?
Ông Phùng Quốc Hiển: Các khoá trước số đại biểu tái cử khoảng 33-35%, kỳ này 160 đại biểu tái cử, cũng nằm trong quãng 30-35%. Kết quả các nhiệm kỳ cho thấy số tái cử là lực lượng nòng cốt, đảm bảo chất lượng hoạt động của Quốc hội. Số đại biểu tham gia mới có đủ tiêu chuẩn, có nhiều kinh nghiệm công tác, tham gia hoạt động dân cử ở địa phương. Vì vậy tỷ lệ tái cử không ảnh hưởng đến hoạt động của Quốc hội mà còn làm cho Quốc hội tươi trẻ hơn.
-
15h39
Hỏi: Theo báo cáo của Hội đồng thì số đại biểu ngoài Đảng khoá 14 giảm 50% so với khoá trước, ông nói gì về điều này?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Lúc ứng cử có 97 người ngoài Đảng, bầu xong còn 21 người, việc này do cử tri quyết định.
Hỏi: Nhiều địa phương chỉ bầu được một đại biểu, như vậy ảnh hưởng gì đến tính đại diện?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Sóc Trăng bầu thiếu một đại biểu, điều này không ảnh hưởng gì vì đại biểu không chỉ đại diện cho nơi được bầu mà còn đại diện cho cử tri cả nước.