Lần đầu tiên được trực tiếp gặp Thủ tướng, các nhà khoa học thế hệ 8X đã không e ngại chỉ ra những vướng mắc, thẳng thắn hiến kế cho sự phát triển của khoa học Việt Nam. Hơn 10 năm hướng dẫn nghiên cứu đề tài, tiến sĩ Phạm Văn Phúc, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) cho rằng, ngày càng có nhiều quy định ràng buộc khiến người làm nghiên cứu không được tự do.
"Tôi có cảm tưởng các nhà quản lý không tin tưởng các nhà khoa học nói chung và các nhà khoa học trẻ nói riêng. Điều này gây ra chán nản và là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến các nhà khoa học khu vực nhà nước bỏ ra các doanh nghiệp làm", tiến sĩ Phúc thẳng thắn.
Làm công tác nghiên cứu các nguồn công nghệ mới đưa về áp dụng trên mạng di động, thạc sĩ Lê Văn Huyên cho biết hiện nhiều doanh nghiệp chưa tin tưởng vào những sáng tạo khoa học công nghệ trong nước do chính người Việt sáng chế.
"Về mặt tính năng, sản phẩm của Việt Nam và của nước ngoài không khác biệt nhiều, nhưng các doanh nghiệp trong nước lại không tin dùng", anh Huyên nói và cho rằng các doanh nghiệp không dám thử nghiệm vì sợ rủi ro.
Thạc sĩ trẻ đề xuất Chính phủ có thể đưa ra các chính sách thử nghiệm. Nếu sản phẩm khoa học của Việt Nam tốt hơn thì các đơn vị, người làm nghiên cứu khoa học nên được tạo điều kiện để phát triển.
"Nguyện vọng của các nhà khoa học trẻ là nhận được sự tin tưởng của Chính phủ, Bộ Khoa học. Chúng tôi luôn muốn được biết, được góp ý kiến, lên kế hoạch cho các chương trình, đề tài sáng tạo khoa học", tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung, Trung tâm Vệ tinh quốc gia nói.
Nữ tiến sĩ đề xuất, khi các nhà quản lý chính sách có kế hoạch, chiến lược phát triển cho lĩnh vực khoa học công nghệ trọng yếu của đất nước hãy công bố rộng rãi, phổ biến tích cực hơn đến toàn dân và các nhà khoa học.
"Xin hãy đưa những kế hoạch phát triển cụ thể chứ không nói chung chung thì mới có thể huy động được sự tham gia của những người có tâm, có tài", nữ tiến sĩ nói.
Chia sẻ điều này, anh Nguyễn Đình Nam, Giám đốc công ty VP9, kiến nghị, cần lập quỹ để khuyến khích các nhà khoa học. Quỹ này cho cá nhân vay một khoản tiền vừa phải, với lãi suất thấp, không cần thế chấp. Đối tượng vay là các nhà khoa học đủ tiêu chuẩn, có uy tín, nhận được các giải thưởng khoa học, muốn dùng tiền vay này để đưa công trình của mình ra kinh doanh phục vụ cuộc sống. (chi tiết 3 đề xuất của anh Nguyễn Đình Nam).
"Chắc chắn nhiều dự án thất bại, nhưng chỉ cần 1/10 công trình thành công thì giá trị xã hội thu được vẫn rất lớn", anh đề xuất.
* Bộ trưởng Nguyễn Quân cảm ơn các nhà khoa học trẻ |
Nghe các nhà khoa học trẻ hiến kế, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ những người làm nghiên cứu, đặc biệt là nhà khoa học trẻ còn gặp nhiều khó khăn khi thiết bị nghiên cứu lạc hậu, kinh phí không có, tiền lương ít... Bộ trưởng nhấn mạnh, việc thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ nhà khoa học trẻ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Bộ trưởng, dù Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách thúc đẩy khoa học phát triển nhưng việc thực hiện ở cơ sở không phải lúc nào cũng thuận lợi. Ông khuyến khích các nhà khoa học trẻ "hãy mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận nguồn lực nhà nước, tự tin hơn trong nghiên cứu".
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp thu nghiên cứu các góp ý và thể hiện trong những cơ chế, chính sách mới trình Thủ tướng và Chính phủ. "Nhà nước đang cố gắng tạo ra môi trường làm việc tốt nhất cho các nhà khoa học trẻ", Bộ trưởng nói.
Cám ơn các ý kiến đóng góp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Khoa học cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học được tiếp cận thuận lợi các quỹ về khoa học công nghệ. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định dù ngân sách khó khăn vẫn cố gắng cấp cho Quỹ đổi mới khoa học công nghệ quốc gia vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng vào đầu năm nay.
Thủ tướng cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi đưa những lĩnh vực khoa học mà chúng ta có tiềm năng, có thế mạnh, sản phẩm mũi nhọn quốc gia để cạnh tranh. Lấy ví dụ việc đang phải nhập ngô với đậu tương để làm thức ăn cho gia súc, người đứng đầu Chính phủ đặt câu hỏi tại sao người Việt không tự sản xuất? Câu trả lời là vì nước xuất khẩu có giá thành rẻ hơn. Muốn ngô Việt Nam cạnh tranh được thì phải dùng khoa học công nghệ để tăng năng suất.
Những câu hỏi bất ngờ của Thủ tướng với các nhà khoa học
"Đường lối của Việt Nam là tự vệ. Ai tấn công trước, mình nhún nhường nhưng có mức độ, cũng phải đánh trả. Muốn đánh trả thì phải có vũ khí để đánh? Tay không thì đánh gì? Tên lửa, thế giới làm được, tại sao Việt Nam lại không?", Thủ tướng đặt câu hỏi cho các nhà khoa học thuộc lĩnh vực quân sự.
Người đứng đầu Chính phủ mong muốn sự kiện gặp gỡ các nhà khoa học trẻ sẽ sẽ được tổ chức thường niên. "Chính phủ sẽ làm hết mình và với trách nhiệm cao nhất để thúc đẩy để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ. Tương lai nền khoa học phụ thuộc vào các nhà khoa học trẻ", Thủ tướng nói.
Nguyễn Trọng Nhật Quang (nhà khoa học trẻ nhất cuộc gặp mặt) đánh giá cao việc Bộ Khoa học tổ chức tổ chức cuộc gặp với Thủ tướng, thể hiện sự quan tâm đối với những người làm công tác nghiên cứu, sáng tạo. Anh hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều cuộc gặp hơn để người đứng đầu Chính phủ có thể lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học trẻ. |
Hoàng Phương - Võ Hải