Mở đầu buổi làm việc với TP HCM ngày 27/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là thành phố đi đầu và về trước, Chính phủ vào để nghe những kiến nghị về cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát triển. Buổi làm việc còn có sự tham gia của các Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ ngành của Chính phủ.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong sau đó báo cáo tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong 6 tháng đầu năm; kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và những đề xuất kiến nghị 7 vấn đề với chính phủ.
Trước hết, UBND TP kiến nghị phân cấp ủy quyền cho các UBND quận huyện thực hiện việc kiểm định, thẩm định phương án tháo dỡ nhà chung cư hư hỏng nặng, nhà chung cư bị nguy hiểm, đảm bảo hoàn thành trước 31/12 theo đúng tiến độ; Phân cấp phân quyền cho UBND TP HCM ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành, lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù hoặc để cụ thể hóa các quy định của Trung ương sát với thực tế địa phương…
Liên quan đến kiến nghị này, UBND TP HCM xin thí điểm quy định một số khoản thu, chi phí và lệ phí phù hợp với điều kiện địa phương như phí xăng dầu, môi trường, sử dụng bất động sản và chuyển nhượng động sản…; thí điểm xử phạt vi phạm hành chính về xâm phạm trật tự an toàn văn minh đô thị phát sinh…; thí điểm thành lập một số cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc cho UBND TP thực hiện một số chức năng nhiệm vụ xuất phát từ đặc thù của đô thị đặc biệt và được phân cấp cho cấp dưới…
Tiếp đó, ông Phong kiến nghị Thủ tướng một số cơ chế tài chính đặc thù cho thành phố như tỷ lệ điều tiết cho ngân sách, phân cấp nguồn thu cấp lại tỷ lệ cho thành phố từ thuế xuất nhập khẩu, thu tiền sử dụng đất…; cơ chế thưởng vượt thu và bổ sung có mục tiêu cho TP HCM từ số tăng thu ngân sách Trung ương.
UBND TP cũng đề nghị Trung ương thưởng 10.000 tỷ đồng vì đã thu ngân sách năm 2015 vượt chỉ tiêu dự toán (thu 255.00 tỷ đồng trong khi mức phân cấp là gần 200.000 tỷ đồng).
Đồng thời, thành phố kiến nghị giữ nguyên các Ban quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị Tây Bắc, Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới nam thành phố và Ban Quản lý đầu tư Xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm theo mô hình cơ quan hành chính đặc thù; thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm.
Về vấn đề đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, UBND TP kiến nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án lớn như các tuyến đường sắt đô thị, đường vành đai… Giao cho TP HCM tổ chức thẩm định dự án, thiết kế cơ sở dự án nhóm A, thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng, kiểm tra và nghiệm thu các công trình cấp I…
Về nhà đất đang thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp thành phố tăng cường hậu kiểm đối với 102 địa chỉ; xem xét thu hồi nhà đất đang sử dụng chưa đúng mục đích, công năng, bỏ trống, cho thuê mượn không đúng quy định…
UBND TP kiến nghị đặt sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tại TP HCM để thúc đẩy vai trò đầu tàu kinh tế, tác động lan tỏa tạo sức đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, UBND TP kiến nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc trong việc việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiệp bắt buộc. Cho phép Công an TP HCM được áp dụng cơ chế đặc thù về tăng cường biên chế, đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật...
Tiếp những kiến nghị của TP HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói rằng, sau hơn 40 năm giải phóng thành phố luôn là đầu tàu về kinh tế. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, thành phố đã chậm lại so với cách đây 5 năm nên cần phải có cơ chế mới tạo nguồn năng lượng phát triển.
"Đầu tàu này không thể chạy mãi bằng than đá hay dầu diesel mà phải chạy bằng năng lượng nguyên tử. TP HCM là của cả nước, vì cả nước, nên giải quyết cơ chế cho thành phố cũng là cho cả nước", ông Thăng nói.
Cuối buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định "TP HCM kiến nghị cái gì Chính phủ giải quyết được sẽ tháo gỡ ngay". Theo ông Phúc, Nghị quyết 16 năm 2012 của Bộ Chính trị là cơ sở pháp lý tiếp tục cho phép thành phố thí điểm những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề được đặt ra trong quá trình phát triển mà chưa có quy định. Theo đó, thành phố cần đưa những vấn đề mới phát sinh này một cách ngắn gọn để Chính phủ xem xét và thông qua.
"Chính phủ sẽ cụ thể hóa kết luận, có cơ chế đặc thù hơn cho thành phố cũng như phân cấp ủy quyền cho để TP HCM phát triển hơn", Thủ tướng khẳng định.
Ngọc Hậu