Gần 20 câu hỏi được đặt ra trong buổi họp báo chóng vánh chiều 18/4, xoay quanh việc Bộ Y tế liệu có công bố dịch, phản ứng chậm với vấn đề quá tải tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các biện pháp chống dịch chưa hiệu quả...
Theo Thứ trưởng Long, không công bố không có nghĩa là không có dịch. Từ tháng 5/2012, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn giám sát phòng chống dịch sởi, trong đó định nghĩa rõ "một ổ bệnh mà có 2 trường hợp xét nghiệm dương tính đã gọi là dịch".
“Công bố hay không thì các biện pháp chuyên môn đều thực hiện theo quy định. Chỉ một trường hợp nghi ngờ mắc sởi đã phải triển khai các biện pháp phòng chống”, ông Long nói.
Thứ trưởng cũng thừa nhận có chuyện “nóng về mặt chỉ đạo, lạnh về thực hiện”. Ngay khi có dịch rải rác ở 3 tỉnh miền núi, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương triển khai ngay biện pháp chống dịch. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ tiêm vắcxin sởi, tiêm vét của các địa phương mới đạt 50%, có nơi không đạt.
Bộ Y tế sẽ nâng mức độ đáp ứng dịch ở mức cao hơn, cung cấp thông tin nhanh hơn. Ban chỉ đạo phòng chống dịch sẽ họp hàng ngày và có báo cáo số liệu cụ thể.
Trong khi đó, số trẻ nhập viện vì sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương bắt đầu có xu hướng giảm.
Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết, Bệnh viện quyết liệt giảm tải, giảm nằm ghép ở khoa Lây, Hô hấp; giảm các hoạt động ngoại khoa phẫu thuật theo lịch, chỉ tiến hành cấp cứu...
Bệnh viện có khu dành riêng thở ôxy cho gần 50 trẻ với đủ bác sĩ, trang thiết bị, điều dưỡng, mục đích để bệnh không tiến triển nặng đến mức phải thở máy. Trẻ ở giai đoạn thoái lui sẽ được nằm phục hồi ở khu điều trị theo yêu cầu.
Sáng 18/4, cùng với Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương đã thị sát tại Bệnh viện Đống Đa, Saint Paul. Tiến sĩ Điển cho biết đã đề nghị các bệnh viện này cho trẻ đang ở giai đoạn thoái triển bệnh: giảm sốt, ban bay, húng hắng ho... về nhà. Tuy nhiên, hàng ngày các bà mẹ phải đưa con đến khám lại. Bệnh viện cho hay sẽ tổ chức phòng khám riêng cho nhóm này để tránh tình trạng quá đông bệnh nhân.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, các năm 2009 và 2010 chỉ có 2 ca mắc sởi tử vong. Vì thế, con số hơn 100 người chết từ đầu năm đến nay là bất thường.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, dịch sởi tăng cao cục bộ tại một số bệnh viện do các mẹ đưa con đến khám vượt tuyến gây quá tải, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn chéo, mắc sởi và các bệnh khác. Đây là nguyên nhân chính khiến trẻ bị nặng và tử vong cao.
"Trong ngày 17/4, Bệnh viện Nhi Trung ương có 38 ca sởi thì chỉ có 5 ca mới, 33 ca còn lại chuyển từ khoa khác lên điều trị vì nhiễm chéo. Đây là một điều đáng cảnh báo", tiến sĩ Phu nói.
Tính từ đầu năm, cả nước ghi nhận 3.256 ca sởi trong số 8.779 ca sốt phát ban nghi sởi. Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chỉ tiếp xúc đã có 90% nguy cơ lây nếu cơ thể chưa có miễn dịch. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vắcxin.
Bộ Y tế lập 5 đoàn kiểm tra Các đoàn cán bộ sẽ tỏa đi các hướng để kiểm tra công tác điều trị và phòng chống dịch sởi tại Hà Nội và TP HCM. Bộ Khoa học và Bộ Y tế đã thống nhất giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chủ trì thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về đặc điểm dịch tễ học, virus học, lâm sàng và hiệu quả điều trị bệnh sởi ở Việt Nam giai đoạn 2013-2014. Mục đích của đề án là làm rõ nguyên nhân dịch bùng phát, nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm phòng sởi vẫn mắc bệnh và biến chứng nặng; tử vong vì sởi chỉ tập trung ở Bệnh viện Nhi Trung ương... |
Nam Phương