- Hội nghị Trung ương 10 vừa qua đã bàn tới quy hoạch báo chí đến năm 2025, Thứ trưởng có thể cho biết một số định hướng của đề án quy hoạch này?
- Về quan điểm, báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước cần tạo điều kiện cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển, nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.
Thực tiễn cho thấy, số lượng cơ quan báo chí và ấn phẩm tăng nhanh trong những năm qua nhưng cơ cấu chưa thật hợp lý. Một số bộ, ngành, tổ chức xã hội, địa phương có nhiều cơ quan, ấn phẩm báo chí. Một số báo có nhiều ấn phẩm phụ với nội dung không phù hợp với tôn chỉ mục đích. Hệ thống đài PTTH các tỉnh, thành phố được đầu tư về khả năng phát sóng vượt xa so với khả năng sản xuất chương trình.
Theo định hướng, phát triển báo chí phải phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ và xu thế phát triển thông tin, truyền thông thế giới. Những cơ quan báo chí hoạt động không hiệu quả sẽ được xem xét sắp xếp và tổ chức lại.
- Mạng xã hội và các loại hình truyền thông mới trên mạng đang phát triển mạnh mẽ tạo ra cơ hội, thách thức như thế nào với hoạt động báo chí?
- Thế giới hiện nay được hình dung là thế giới phẳng, mọi người đều có cơ hội để tiếp cận thông tin nhanh và toàn diện nhất về một sự việc vừa xảy ra dù ở bất kỳ nơi nào. Việt Nam không nằm ngoài quy luật.
Đây là cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức cho cơ quản quản lý, như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin. Nhiều thông tin độc hại, trái với thuần phong mỹ tục trong một số trường hợp đi ngược lại lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, chống phá nhà nước và chế độ cũng được phát tán trên môi trường mạng.
Thủ tướng từng phát biểu, không thể cấm đưa thông tin lên mạng. Chúng ta cũng không có chủ trương ngăn chặn mạng xã hội. Tuy nhiên, những thông tin xấu, độc hại phải có các biện pháp ngăn chặn. Phải chủ động thông tin sớm, chính xác mới ngăn chặn được thông tin xấu độc hại.
- Một số trang mạng, blog đưa những thông tin khác nhau về lãnh đạo nhà nước. Quan điểm của Bộ thế nào thưa ông?
- Trên mạng xã hội, có những trang blog chống đối quyết liệt Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, nói xấu nhiều lãnh đạo cao cấp, như trang quanlambao, danlambao... cùng hàng loạt blog khác nữa. Những thông tin xấu, độc hại, nếu không kịp thời ngăn chặn, giải quyết sẽ gây tác động rất lớn đến tâm tư nguyện vọng, tình cảm của người dân, gây ra sự hoài nghi trong xã hội.
Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh ngăn chặn hoạt động xấu trên blog cá nhân. Chúng tôi đã khuyến cáo các cơ quan báo chí tăng cường thông tin chính thống trên phương tiện thông tin đại chúng để chống lại các trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài đưa thông tin phản động; tăng cường giáo dục đội ngũ nhà báo nâng cao nghiệp vụ, có phóng viên giỏi đấu tranh trực diện trên mạng.
Vấn đề cốt lõi là làm thế nào để thông tin xấu trên mạng không bị phơi nhiễm ra toàn xã hội. Mỗi người phải tự trang bị kiến thức cho mình, phải thích nghi để chống lại thông tin độc hại. Tới đây, cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp toàn diện hơn để ngăn chặn thông tin xấu độc hại trên mạng, để môi trường mạng phát triển lành mạnh hơn, đáp ứng nhu cầu chung của xã hội.
Cả nước có 845 cơ quan báo in với 1.118 ấn phẩm báo chí; 1 hãng thông tấn quốc gia; 67 đài PTTT trung ương và địa phương; số lượng các kênh chương trình PTTH quảng bá là 179; 98 cơ quan báo điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội; gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. |
Võ Hải ghi