Ngày 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và luật Đất đai (sửa đổi), dự kiến được thông qua tại kỳ họp cuối năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay, dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) hiện có 14 chương, 212 điều (tăng 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp 5). Nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự luật về thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh; phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không quy định Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, xã hội.
Theo lý giải của đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các cấp đã dự kiến quỹ đất sử dụng cho mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế xã hội. Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội quy mô lớn, quan trọng của đất nước.
Còn đối với các dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì Nhà nước không thu hồi đất mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư để thực hiện dự án (Điều 62,63 của dự thảo luật sửa đổi).
Cũng theo ông Giàu, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế xã hội; gộp thành một điều vì rất khó tách bạch giữa các mục đích này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu theo hướng quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất.
Ngoài ra, khi thu hồi, Nhà nước không sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân vào những mục đích nhất định mà phá bỏ để giải phóng mặt bằng nên không trưng mua tài sản gắn liền với đất. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định về bồi thường thiệt hại về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất.
Trước ý kiến bổ sung quy định rõ tỷ lệ khi giá đất thị trường biến động 15 - 20% thì phải điều chỉnh khung, bảng giá đất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc chung. Khi thị trường có biến động lớn thì điều chỉnh khung, bảng giá đất cho phù hợp. Để đảm bảo tính ổn định lâu dài của luật, mức biến động cụ thể không quy định trong luật mà quy định trong nghị định của Chính phủ nhằm đảm bảo phù hợp với từng loại đất, từng vùng, theo từng thời gian.
Với đề xuất lập cơ quan định giá đất độc lập, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, do đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nên Nhà nước có quyền định đoạt, trong đó có quyền quyết định giá. Việc giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định, quyết định giá đất vì thế là phù hợp.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính độc lập, khách quan, UBND cấp tỉnh trước khi quy định, quyết định giá đất phải căn cứ vào giá do tổ chức có chức năng tư vấn giá đất xác định.
Theo dự thảo luật Đất đai sửa đổi mới nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 vừa qua:
Điều 63. Thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình phát triển kinh tế, xã hội |
Nguyễn Hưng