Sáng 10/5, tại trường ĐH Kinh tế - Luật, ông Thomas L.Friedman (60 tuổi) - phụ trách chuyên mục đối ngoại của tờ New York Times, đồng thời là nhà bình luận nổi tiếng người Mỹ, từng 3 lần đoạt giải báo chí Pulitzer đã có buổi trò chuyện cởi mở với sinh viên.
Trước câu hỏi, đánh giá hành vi của Trung Quốc trong những tranh chấp gần đây với Việt Nam ở Biển Đông, ông cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn.
"Những quốc gia nhỏ, trung bình khi nằm cạnh một cường quốc rất khó để kiểm soát được mối quan hệ với nước láng giềng. Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược 'gặm nhấm dần', 'ăn dần' và họ sẽ đi từng bước một, đẩy mọi thứ vừa đủ để có lợi cho mình nhưng đồng thời cũng không đẩy quá mức để có thể tạo nên một phản ứng toàn cầu. Họ sẽ đi từng bước nhẹ nhàng cho đến khi đạt được mục đích", tác giả cuốn Thế giới phẳng chia sẻ.
Friedman nhận mình không phải là một chuyên gia về luật biển nên ông không khẳng định ai đúng ai sai trong việc tranh chấp Biển Đông, nhưng ông cho rằng sẽ không cân sức nếu Việt Nam đứng một mình trong cuộc tranh chấp này. Việt Nam cần phải tạo ra được một cơ chế sao cho vừa tôn trọng quyền lợi những quốc gia láng giềng đồng thời cũng phải có những hành động cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình.
"Cách tốt nhất để làm được điều này là Việt Nam phải thông qua hành động tập thể theo truyền thống "bó đũa" mà tôi đã được nghe. Nếu một chiếc đũa thì người ta có thể dễ dàng bẻ gãy nhưng nếu là bó đũa thì mọi chuyện sẽ khác. Chính vì vậy Việt Nam cần phải có rất nhiều người bạn và phải có đồng minh để đối trọng với các nước lớn. Việt Nam nên thông qua cơ chế tổng thể và dựa trên luật pháp quốc tế mới có thể đối trọng lại với Trung Quốc", ông Friedman nói.
Tuy nhiên, liên minh trong khu vực không phải là lợi thế của Việt Nam bởi còn thiếu sự gắn kết và bị chi phối bởi nhiều lợi ích khác nhau. Đây sẽ là một thách thức thật sự với Việt Nam nên cần phải có những bước đi phù hợp. "Việt Nam cần phải kết bạn, cần phải có đồng minh để có thể buộc Trung Quốc chơi đúng luật", nhà báo Mỹ nói.
Cũng trong buổi giao lưu, trước những thắc mắc của thầy và trò ĐH Quốc gia TP HCM về vấn đề làm sao để thích nghi được trong thời đại thế giới phẳng, tác giả cuốn sách nổi tiếng này cho rằng thế giới không chỉ "phẳng" mà "ngày càng phẳng hơn".
Nói về thế giới đang phẳng đi, tác giả của cuốn sách cùng tên cho rằng đặc điểm nổi bật nhất những năm đầu thế kỷ 21 chính là khái niệm toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ thông tin.
Từ những chiếc máy tính cá nhân, điện thoại di động mọi người ở khắp nơi có thể kết nối với nhau. Các công cụ tìm kiếm, đặc biệt là Google đã làm nên một thế giới phẳng. Và thế giới đã chuyển từ kết nối sang "siêu kết nối". Đây là bối cảnh tuyệt vời với những người biết thích ứng nhanh, nhất là doanh nhân nhưng nó sẽ trở nên tồi tệ với những người làm lãnh đạo vì họ phải đối thoại đa chiều thay vì một chiều như trước đây. Thậm chí các nhà lãnh đạo phải đối diện với rất nhiều luồng thông tin, dư luận thế giới khi công nghệ thông tin phát triển.
Người lao động cũng vì thế mà nhiều cơ hội hơn nhưng cũng khắc nghiệt hơn khi thế giới ngày một hiện đại hơn, thậm chí một số nơi trên thế giới đã dùng robot để thay thế cho con người trong quá trình sản xuất các thiết bị. "Tôi vẫn thường nói với con gái tôi rằng khi tốt nghiệp tôi phải đi xin việc làm, còn đến thời của con thì con phải tự tạo ra việc làm", ông Friedman nói.
Trong bối cảnh đó, nhà báo của New York Times cho rằng các trường ĐH phải biết đào tạo sinh viên thành một thế hệ không chỉ biết lắp ráp mà phải nghĩ đến giai đoạn cao hơn đó là thiết kế, sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao ở Việt Nam. Để thu hút và tạo ra được nhân tài thì Việt Nam cần tạo ra được một môi trường kinh tế, xã hội chính trị kích thích sự sáng tạo của cá nhân.
Còn về phía sinh viên, phải tự tạo ra cho mình những giá trị gia tăng độc đáo mới có thể tồn tại được trong thế giới ngày nay.
Cuối buổi giao lưu, nhà báo Mỹ đưa ra 4 lời khuyên cho các bạn sinh viên: Tư duy như những người dân nhập cư - họ khao khát thành công, khao khát có thể lập nghiệp; Tư duy như những người thợ thủ công - họ tạo ra giá trị thặng dư cho sản phẩm của mìn;Tư duy như những doanh nhân mới bắt đầu lập nghiệp - họ luôn luôn biết tái suy nghĩ và không ngừng học tập, thiết kế những sản phẩm, dịch vụ mới. Và cuối cùng hãy tư duy như những người phục vụ bàn - biết cần mẫn phục vụ.
Nguyễn Loan