Bộ Lao động vừa có chỉ thị về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn và an toàn trên công trình xây dựng tiếp giáp với khu dân cư, đường giao thông.
Bộ yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn lao động của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn, đặc biệt là nhà thầu, ban quản lý dự án công trình tiếp giáp với khu dân cư, đường giao thông; thông báo các vi phạm nghiêm trọng về an toàn lao động trên phương tiện thông tin, xem xét khởi tố vụ án, truy tố người vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trước tình trạng nhiều vụ cần cẩu sập, đổ trong thời gian qua, Bộ Lao động yêu cầu cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ thiết bị, nhất là phương tiện nâng, hạ tại công trình tiếp giáp khu dân cư, đường giao thông, quy định khung giờ hoạt động. Nhà thầu thi công, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động cần bố trí người giám sát, phân luồng giao thông, thiết lập tín hiệu cảnh báo khi thi công tại công trình gần đường giao thông.
Trong tháng 6 và tháng 7, thanh tra lao động sẽ tổ chức thanh tra tại các địa phương có nhiều tai nạn lao động, sự cố tai nạn lao động nghiêm trọng, riêng Hà Nội, TP HCM và khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) sẽ được thanh tra toàn diện. Đây cũng là 3 địa phương xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động thời gian qua.
Trước đó khoảng 20h tối 25/3, giàn giáo đúc bê tông giếng chìm tại công trường Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa, thuộc khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đổ sập khiến 13 người chết, 29 người bị thương. Công an Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án hình sự về tội có dấu hiệu vi phạm các quy định an toàn lao động để điều tra vụ việc.
Trong tháng 5, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ sập, đổ cần cẩu, thiết bị nâng từ các công trường xây dựng sát khu dân cư. Ngày 12/5, cần cẩu dài 10 m tại công trường xây dựng tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội bất ngờ đổ sập xuống, đè vào nhà dân trên đường Cầu Giấy và làm một phụ nữ mang thai 8 tháng bị ngã do dây văng trúng. Trước đó ngày 10/5, thanh dầm thép dày cả chục mét, nặng hàng tấn của tuyến đường sắt này cũng tuột khỏi cần cẩu, rơi xuống đường Hồ Tùng Mậu vào lúc chiều tối khiến nhiều người hoảng sợ.
Trên các tuyến đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh, nhiều cần trục tháp có cánh tay cẩu lơ lửng trên đầu gây hoang mang cho người đi đường. Theo khảo sát của đoàn thanh tra liên nghành, 70% cẩu tháp đang hoạt động ở các công trường xây dựng Hà Nội vươn ra đường gây nguy hiểm, 16 đơn vị sử dụng cẩu vi phạm hành lang an toàn đã bị đình chỉ hoạt động.
Hoàng Phương