Trả lời trong họp báo bế mạc kỳ họp 11, Quốc hội khóa 13 sáng 12/4, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội sẽ kiện toàn lãnh đạo nhà nước tại kỳ họp thứ nhất khoá 14.
Bốn chức danh cao nhất sẽ được bầu lại và tiếp tục tuyên thệ nếu trúng cử. "Lời tuyên thệ được ấn định trong hiến pháp trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp, còn lại tuỳ vị trí có tuyên thệ riêng, ngắn gọn trong 1-2 phút", ông Phúc nói.
Trả lời câu hỏi về việc một số người được miễn nhiệm vừa qua "thấy bị động vì thông báo muộn, ảnh hưởng đến kế hoạch công tác", Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, kỳ họp này Quốc hội dành khá nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự. Việc này không phải bị động mà có chuẩn bị, có thông báo cho những người được miễn nhiệm từ trước.
"Chúng ta thực hiện đúng theo quy trình miễn nhiệm, bổ nhiệm cán bộ. Quốc hội vừa qua thực hiện đúng quy trình", ông Phúc khẳng định và nói thêm, lịch sử Quốc hội đã có nhiệm kỳ kiện toàn nhân sự tương tự, như khoá 11 kiện toàn khoảng 9 chức danh khác nhau. Kỳ này kiện toàn 37 chức danh Quốc hội và phê chuẩn chức danh của Chính phủ.
Việc Quốc hội không miễn nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội với bà Nguyễn Thị Kim Ngân và chức vụ Phó thủ tướng với ông Nguyễn Xuân Phúc trước khi bầu nhiệm vụ mới, được ông Hạnh Phúc lý giải, "Quốc hội đã bầu bà Ngân làm Chủ tịch Quốc hội, thì không có chuyện lại kiêm Phó chủ tịch, nên không cần miễn nhiệm nữa. Tương tự, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Thủ tướng thì không thể kiêm nhiệm Phó thủ tướng".
Lý lịch các chức danh được bầu, phê chuẩn đều có dòng nhận xét "đã hoàn thành công việc" mà không có đánh giá về đạo đức, nhân cách, các phiên thảo luận lại là kín nên cử tri băn khoăn không biết về năng lực nhân sự, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, quá trình thảo luận tại đoàn, các đại biểu quốc hội - đại diện cho dân đã có quá trình nghiên cứu hồ sơ, đánh giá, cho ý kiến, sau đó có sự cân nhắc, thể hiện quan điểm bằng lá phiếu. Khi công bố kết quả, có ứng viên đạt phiếu cao, có người phiếu thấp, đó là sự đánh giá công bằng của đại biểu.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, do nhu cầu công việc, sắp xếp bộ máy của Đảng theo quy định của hiến pháp, pháp luật, Quốc hội khoá 13 kiện toàn 37 chức danh chủ chốt để đảm bảo sự đồng bộ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.
"Nhân sự vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn là của Khoá 13, nhiệm kỳ 2011-2016. Sau khi bầu cử Quốc hội Khoá 14 (ngày 22/5), chúng ta lại kiện toàn nhân sự của các cơ quan nhà nước", ông Lưu cho hay.
Luật Tổ chức Quốc hội quy định các chức danh trong bộ máy nhà nước bắt buộc phải là đại biểu Quốc hội gồm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.
Như vậy, nếu các chức danh mới trúng cử sắp tới được bầu là đại biểu Quốc hội thì sẽ tiếp tục được giới thiệu đảm nhiệm chức vụ, còn người nào không trúng cử thì sẽ kết thúc nhiệm kỳ, được Đảng, Nhà nước bố trí công việc khác mà không bắt buộc phải là đại biểu.
Kỳ họp 11 Quốc hội khóa 13 từ 20/3 đến 12/4 dành phần lớn thời gian kiện toàn nhân sự Nhà nước.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được miễn nhiệm. Những người được bầu kế nhiệm là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hàng loạt nhân sự trong bộ máy cũng được bầu mới gồm bà Đặng Thị Ngọc Thịnh thay bà Nguyễn Thị Doan giữ chức Phó chủ tịch nước. Ông Nguyễn Hòa Bình (nguyên Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao) trúng cử làm Chánh án tòa án nhân dân tối cao thay ông Trương Hoà Bình. Ông Lê Minh Trí (Phó trưởng ban Nội chính Trung ương) được bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thay ông Nguyễn Hoà Bình.
Chính phủ cũng có 21 thành viên mới, trong đó có ba tân Phó thủ tướng và 18 Bộ trưởng, trưởng ngành.
7 dự án luật được thông qua là Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Điều 3 của Luật tổ chức Chính phủ quy định: Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ. Điều 10 Luật tổ chức Quốc hội quy định: 1. Người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác mà không thể thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức. 2. Đơn xin từ chức được gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 8 và Điều 9 của Luật này. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm tại kỳ họp Quốc hội gần nhất. |
Hoàng Thùy - Võ Hải