Ngày thứ 28 đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc duy trì 120 tàu gồm 36 tàu hải cảnh, 13 tàu kéo, 14 tàu vận tải, 7 tàu quân sự. Ngoài ra, nước này còn huy động 4 máy bay chiến đấu bay ở độ cao 1000-1.100 m quanh giàn khoan - quan sát của lực lượng kiểm ngư cho thấy.
Bộ tư lệnh Cảnh sát biển cũng thông tin, Trung Quốc bố trí các tàu bảo vệ trên nhiều hướng, mỗi hướng duy trì 6-8 tàu để ngăn chặn lực lượng của Việt Nam tiếp cận giàn khoan. Các tàu này luôn cơ động, sẵn sàng phun nước, đâm va vào tàu của ta.
Tàu quân sự của Trung Quốc chia thành hai nhóm, một nhóm bảo vệ quanh khu vực giàn khoan 8-10 hải lý, nhóm còn lại bảo vệ vòng ngoài nhằm cản trở tàu chấp pháp của Việt Nam.
Các tàu hải cảnh, ngư chính, tàu kéo, tàu vận tải Trung Quốc tập trung bảo vệ ở phạm vi cách giàn khoan 5-6 hải lý, đồng thời tổ chức thành nhiều nhóm vây ép, đâm va, đẩy phạm vi hoạt động của tàu Việt Nam từ 5-6 hải lý ra ngoài 10 hải lý.
Ở vòng ngoài, tàu cá Trung Quốc cũng đi thành nhóm để cản trở và đe dọa tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động cách giàn khoan 25-30 hải lý.
"Đáng chú ý là vào ban đêm, các tàu quân sự này tắt đèn, thả trôi gây nguy hiểm cho tàu Việt Nam", báo cáo của Kiểm ngư nhấn mạnh.
Sáng cùng ngày, cảnh sát biển phát hiện 2 tàu quét mìn của Trung Quốc số hiệu 840, 843 và 2 tàu hộ vệ tên lửa không rõ số hiệu được thả trôi ở phía đông giàn khoan. Súng phun nước của tàu hải cảnh 31101 Trung Quốc đã lắp thêm đường ống và vòi màu đen (chưa xác định được tác dụng).
Việt Nam vẫn duy trì lực lượng và hoạt động đấu tranh cường độ cao. Quá trình tuyên truyền, tàu Việt Nam đã bị tàu của Trung Quốc ngăn cản, đâm húc gây hư hỏng nhẹ.
Nhận định về việc Trung Quốc di dời giàn khoan đến vị trí mới, VTC dẫn lời giáo sư Hà Hoàng Hợp (Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore) cho rằng, bản chất việc đặt giàn khoan không phải để khai thác dầu mỏ mà nhằm mục đích chính trị, khẳng định chủ quyền một cách trái phép. Xét về mặt kỹ thuật hay quân sự, đây sẽ là bước đi chuẩn bị tạo hạ tầng cơ sở cho vùng phòng không trên Biển Đông.
Trên phương diện kỹ thuật, báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Hoàng Bá Cường, Giám đốc Công ty điều hành thăm dò khai thác dầu khí trong nước (PVEP-POC, thuộc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí VN - PVEP) rằng, việc dịch chuyển giàn khoan trong phạm vi 23 hải lý chưa nói lên điều gì. Đó là hoạt động bình thường của công đoạn khoan, thăm dò dầu khí, khi vị trí ban đầu của giàn khoan không phù hợp.
Còn Cục Hải sự Trung Quốc hôm 27/5 thông báo, giàn khoan Hải Dương 981 đã "hoàn thành giai đoạn khoan thăm dò đầu tiên và chuyển sang giai đoạn tiếp theo".
28 ngày từ khi đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc thường xuyên huy động cả trăm tàu hộ tống và máy bay để bảo vệ giàn khoan và ngăn cản thô bạo hoạt động của tàu chấp pháp, tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Nhiều kiểm ngư viên Việt Nam phải điều trị thương tích vì bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng, đâm va. Một tàu cá Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm, trên tàu có 10 người, may mắn được lực lượng của ta kịp thời ứng cứu.
Hương Thu - Hoàng Thùy