Ngày 6/6, tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã triển khai khoảng 40 tàu hải cảnh; 30 tàu vận tải và tàu kéo; 40 tàu cá. Ngoài ra còn có sự hiện diện của 4 tàu chiến.
Theo báo cáo của Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), từ khoảng cách 9-11 hải lý, các tàu của Trung Quốc tiếp tục tổ chức thành từng tốp ngăn chặn, sẵn sàng đâm va, phun vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam.
"Khoảng 40 tàu cá với sự hỗ trợ của hai tàu cảnh hải cảnh đã ngăn cản, đẩy ép, ném đá và chai lọ sang tàu Việt Nam", Cục Kiểm ngư cho hay.
Lực lượng kiểm ngư còn quan sát thấy tàu cá Trung Quốc có "quả lê" phía trước dưới vạch mớn nước và có chân vịt mũi. "Chứng tỏ đây là tàu trọng tải lớn có tính chuyên dụng, đi cùng tàu cá để tăng khả năng ngăn cản, đâm va", đại diện Cục kiểm ngư nhận định.
Trước sự cản trở ngày càng quyết liệt của Trung Quốc, các tàu Việt Nam vẫn bình tĩnh, vòng tránh kịp thời và kiên trì đấu tranh. Các ngư dân vẫn hăng hái tham gia bám biển sản xuất trên khu vực.
Cũng trong hôm nay, CNN đăng tải nhật ký của nhà báo Euan McKirdy mô tả về tình hình thực địa ở khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan. Phóng viên này đã chứng kiến tàu Trung Quốc phun vòi rồng công suất lớn vào một tàu kiểm ngư của Việt Nam. Đường nước từ vòi rồng có thể đập vỡ cửa kính, phá hỏng động cơ, gây mất điện và thậm chí dẫn đến cháy nổ.
Khi các tàu Trung Quốc tiến lại gần, nhà báo Euan McKirdy thấy những khẩu súng gắn trên boong đã bỏ bạt che. Ngoài ra, trên bầu trời những chiếc máy bay bay rất thấp.
Trước hành động ngày càng thô bạo, hung hăng và thâm độc như tấn công ban đêm, rọi đèn pha, phun vòi rồng, trên báo Tuổi trẻ, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhận định Trung Quốc muốn đánh bật toàn bộ lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và tàu cá Việt Nam ra khỏi vùng biển chủ quyền.
"Các tàu cá phải hết sức cảnh giác vào ban đêm. Tàu đánh cá phải treo đèn và nên đi theo nhóm, ít nhất là ba tàu một cụm. Buổi tối, ngư dân nên ngồi sát xuống mũi tàu, quan sát sát mặt nước để có thể nhìn được những chấm đen xa vài kilomet. Nếu tàu của họ không bật đèn thì lại có bằng chứng về một thủ đoạn thâm độc khác. Khi phát hiện tàu Trung Quốc đến gần gây hấn phải gọi ngay tàu khác đến cứu", Tuổi Trẻ dẫn lời ông Lâm.
Ngày 5/6, phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ, đã gửi công hàm lần hai cho phái đoàn đại diện thường trực các nước tại Geneva và các tổ chức quốc tế đóng tại Thụy Sĩ. Không chỉ cập nhật tình hình về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và các hoạt động gây hấn của tàu thuyền Trung Quốc, Công hàm nêu vụ việc tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 TS của ngư dân Đà Nẵng ngày 25/5 khi tàu này đang hoạt động tại ngư trường truyền thống gần khu vực Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong công hàm này, phái đoàn Việt Nam cũng kiên quyết bác bỏ những luận điệu vu cáo, bịa đặt trắng trợn của phía Trung Quốc nêu trong công hàm gửi cho các tổ chức quốc tế và phái đoàn đại diện thường trực các nước tại Geneva ngày 2/6.
Hương Thu