Chiều 5/8, tỉnh Sơn La tổ chức họp báo về dự án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc cùng quảng trường trung tâm thành phố vừa được HĐND tỉnh thông qua với kinh phí đầu tư 1.400 tỷ đồng.
- Đề án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh và quảng trường tại Sơn La đang gây tranh cãi, ông nói gì về điều này?
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - Nguyễn Quốc Khánh: Theo nghị quyết HĐND tỉnh thông qua, diện tích triển khai của đề án là 20ha bao gồm các hạng mục: nhóm tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn liền với Lễ đài cao từ 5 đến 8m; quảng trường có sức chứa 20.000 người; đền thờ Bác Hồ; đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ; bảo tàng tổng hợp; khuôn viên cây xanh…
Tổng mức đầu tư của Đề án khái toán 1.400 tỷ đồng bao gồm: nguồn vốn từ ngân sách Trung ương; ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện từ năm 2015 đến 2019.
- 1.400 tỷ được dự kiến chi cho các hạng mục xây dựng nào, thưa ông?
- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Lê Hồng Minh: 1.400 tỷ đồng của dự án sẽ được chi cho 7 hạng mục chính gồm: xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh ước tính 250 tỷ đồng, Đền thờ Bác Hồ ước tính 48 tỷ đồng; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ 30 tỷ; Hệ thống đường giao thông 4,1km và 3 cầu qua suối tổng mức đầu tư 130 tỷ; Công viên vườn hoa, cây xanh và tôn tạo di tích nhà ngục Sơn La 21 tỷ; xây dựng nhà bảo tàng 40 tỷ...
Chi phí hỗ trợ những hộ bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án Tái định cư xây dựng quảng trường ước tính 260 tỷ đồng...
Xin được nhấn mạnh, đây là bước xây dựng đề án để xin chủ trương chứ chưa phải là quyết định chính thức về giá trị.
- Lộ trình cụ thể thực hiện đề án thế nào?
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Lê Hồng Minh trả lời họp báo về dự án xây dựng tượng đài Bác Hồ ở Sơn La. Ảnh: Minh Anh. |
- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Lê Hồng Minh: Cụ thể kinh phí và lộ trình thực hiện dự án, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch như sau:
Năm 2015 thực hiện: Thi tuyển ý tưởng kiến trúc quy hoạch và khảo sát lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trên quy mô 50 ha. Bồi thường giải phóng mặt bằng tổng mức đầu tư 180 tỷ, thời gian thực hiện trong năm 2015-2016. Thực hiện dự án tái định cư xây dựng quảng trường và tượng đài với tổng mức nguồn vốn năm 2015 yêu cầu khoảng 250 tỷ đồng, dự kiến bố trí bằng nguồn tăng thu ngân sách của năm 2014-2015 và tạm vay quỹ phát triển đất.
Năm 2016: Tiếp tục triển khai bồi thường mặt bằng và dự án tái định cư xây dựng quảng trường đồng thời triển khai các nội dung xây dựng quảng trường.
Năm 2017-2018: Tiếp tục triển khai các dự án trên và khởi công các dự án còn lại như công viên và tôn tạo di tích nhà ngục Sơn La, xây dựng hạng mục nhà bảo tàng tổng hợp. Yêu cầu vốn trong hai năm này là 900 tỷ đồng. Dự kiến bố trí nguồn tăng thu ngân sách của tỉnh hàng năm, nguồn bổ sung cân đối, phát triển vùng, nguồn vốn mục tiêu văn hóa thể thao, nguồn huy động xã hội hóa, nguồn từ bán tài sản trên đất và đấu giá đất các cơ quan đơn vị sự nghiệp của tỉnh.
Các trụ sở hành chính cũ sẽ được bán đấu giá lấy tiền xây trụ sở mới.
Năm 2019-2020: Bố trí các nguồn vốn còn lại hoàn thiện bằng các nguồn tăng thu ngân sách, nguồn vốn cân đối ….
- Số vốn 1.400 tỷ đồng đã bao gồm việc xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh chưa, thưa ông?
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - Nguyễn Quốc Khánh: Số vốn này chưa bao gồm tiền xây dựng trung tâm hành chính theo Đề án di chuyển trụ sở làm việc các cơ quan hành chính HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan hành chính nhà nước hiện nằm trên đồi Khau Cả thuộc khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.
Số vốn đầu tư trên mới là dự kiến. Theo luật đầu tư công đây là dự án nhóm A nên phải xin ý kiến của Chính phủ. Tỉnh Sơn La đang làm khái toán ban đầu, sau khi có dự án mới có các đơn vị tư vấn, rồi hoạt động báo cáo tiền khả thi.
Trước một số thông tin báo chí cho rằng, quy mô đề án quá lớn, chưa phù hợp trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Thủ tướng đã yêu cầu UBND tỉnh Sơn La báo cáo về việc đầu tư và làm rõ nội dung được phản ánh, gửi Chính phủ trước ngày 15/8. |
Minh Anh