- Điều kiện nào để một nước cử quân tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ?
![]() |
Đại tá Hoàng Kim Phụng, Giám đốc Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam. Ảnh: HP. |
- Việc cử quân tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ là tinh thần hoàn toàn tự nguyện của mỗi nước, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Nếu cử sĩ quan làm nhiệm vụ độc lập thì nước cử quân phải cam kết với LHQ về mức độ, số lượng, hình thức cử quân... Sau đó, Cục Gìn giữ hòa bình LHQ sẽ xem xét các vị trí cần thiết, đối chiếu với năng lực nước cử quân rồi gửi đề nghị tới nước đó qua cơ quan thường trực tại LHQ. Nước cử quân lựa chọn các cá nhân phù hợp để tham gia. Nếu cử đơn vị đi thì phức tạp hơn nhiều.
Tất cả thành viên LHQ đều phải có trách nhiệm với những vấn đề chung mà tổ chức này đang giải quyết. Từ năm 1993, Việt Nam đóng góp về kinh phí chứ chưa cử lực lượng tham gia. Qua 9 năm nghiên cứu (2005-2014), Việt Nam chính thức cử quân đi vào năm 2014.
- 12 lượt sĩ quan đã và đang làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi được phản hồi ra sao về năng lực?
- Họ được đánh giá cao về hiệu quả công việc cũng như tinh thần trách nhiệm. Hằng ngày, Trung tâm đều nhận được báo cáo của các sĩ quan. Đây là những nơi có nhiều xung đột, bất ổn, nguy hiểm tính mạng. Theo quy định của LHQ, sĩ quan được áp dụng quyền từ chối thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng. Song các sĩ quan Việt Nam chưa áp dụng quyền này một lần nào.
Trong bản đánh giá, đại tá T. Sarholz (Phó chỉ huy trưởng lực lượng sĩ quan liên lạc của LHQ tại Nam Sudan) đã kiến nghị bố trí thượng tá Trần Nam Ngạn vào vị trí tham mưu tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), hoặc Sở chỉ huy lực lượng tại các phái bộ trong lần làm nhiệm vụ tiếp theo. Thượng tá Mạc Đức Trọng được đánh giá là chín chắn trong hành động, có vai trò lớn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Melut (Cộng hòa Nam Sudan) vào tháng 5/2013.
- Lần đầu tiên hoạt động trong môi trường đa quốc gia, đa sắc tộc, sĩ quan Việt Nam đối mặt khó khăn gì?
- Trước hết, đây là lĩnh vực Việt Nam mới tham gia nên chưa có kinh nghiệm, tiếp đó là bất đồng ngôn ngữ và không được huấn luyện như các đội quân nhà nghề khác. Dù trước khi đi, các sĩ quan đều được tập huấn, có bản mô tả công việc nhưng thực tế làm việc ở địa bàn bất ổn, xa lạ nên phải linh hoạt, kiêm nhiệm nhiều việc.
Sĩ quan phải am hiểu luật pháp quốc tế, phong tục nước sở tại, tuân thủ những nguyên tắc mà LHQ đưa ra khi làm nhiệm vụ. Các sĩ quan được cử đi phải vừa làm vừa học, nhưng họ đã biết tận dụng uy tín đất nước, quân đội Việt Nam để thuyết phục các lực lượng, phe phái khác nhau chấp nhận cộng tác giải quyết các vấn đề mà LHQ cần triển khai ở địa bàn.

Thiếu tá Trương Anh Tuấn trò chuyện với người dân Nam Sudan trong một lần tuần tra. Ảnh: VNPKC.
- Việc tuyển chọn người tham gia các phái bộ được thực hiện như thế nào?
- Việc tuyển chọn diễn ra trong toàn quân, tuy vậy chiến sĩ đạt yêu cầu chủ yếu trưởng thành từ những đơn vị có kinh nghiệm về đối ngoại quốc phòng và vượt qua quá trình kiểm tra khắt khe về năng lực, ngoại ngữ, hàng trăm người mới chọn được một.
Giỏi ngoại ngữ, đạo đức của sĩ quan phải thể hiện là sứ giả của Quân đội nhân dân, đem hình ảnh dân tộc và nền văn hóa Việt Nam đi ra với cộng đồng quốc tế.
Hai là năng lực quân sự phải đáp ứng yêu cầu cao để làm việc trong môi trường đa quốc gia chứ không đơn thuần như các đơn vị trong nước. Sĩ quan phải hiểu biết sâu, rộng về đối ngoại quốc phòng, có khả năng hợp đồng với sĩ quan nước khác cũng như quân đội, chính quyền, nhân dân nước sở tại; giỏi thuyết phục, đàm phán, tổ chức các hoạt động với nhiều lực lượng.
- Kế hoạch đào tạo, tuyển chọn sĩ quan "mũ nồi xanh" sắp tới được thực hiện ra sao?
- Từ 2014 đến nay, cùng với phái cử lực lượng đi làm nhiệm vụ, trung tâm đang đào tạo các lớp kế cận. Các sĩ quan làm nhiệm vụ đơn lẻ được tập huấn, theo các suất học bổng nước ngoài.
Trung tâm cùng các đơn vị liên quan đang bồi dưỡng chuyên ngành cho 70 người trong đội Bệnh viện dã chiến cấp 2; tập huấn 6 tháng cho gần 270 chiến sĩ thuộc đơn vị công binh. Việt Nam sẽ sớm đưa hai lực lượng này tham gia gìn giữ hòa bình. Khi đó, số sĩ quan tăng lên hàng trăm người. Trung tâm cũng sẵn sàng cử sĩ quan nữ khi có vị trí phù hợp.
Trong năm nay, Việt Nam sẽ cử 7 sĩ quan đi làm nhiệm vụ.

Trung tá Trần Nam Ngạn và Mạc Đức Trọng cùng các sĩ quan gìn giữ hòa bình LHQ hỗ trợ người dân tị nạn ở Melut (Nam Sudan) trú trong container khi xung đột xảy ra. Ảnh: VNPKC.
- Tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam?
- Việc này khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực của LHQ tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế. Đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam tuyên truyền đường lối đối ngoại hội nhập nhưng độc lập, tự chủ và không can thiệp vào nội bộ nước khác.
Việc này cũng có ý nghĩa lớn về quân sự. Chúng ta thường đào tạo sĩ quan, quân nhân trong nhà trường, quân đội theo hình thức tác chiến của cuộc chiến tranh nhân dân, chủ yếu phòng vệ. Tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình, Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với phương thức tác chiến của một đội quân nhà nghề có cả phòng vệ lẫn tấn công để áp dụng vào xây dựng quân đội.
Việt Nam có thêm trải nghiệm về cách tổ chức lực lượng trong môi trường đa phương, phối hợp thế nào nếu có sự cố liên quan đến môi trường, thách thức phi truyền thống... Khi đó, sĩ quan Việt Nam sẽ không bị bỡ ngỡ chưa kể tiến tới Việt Nam có thể chủ động tổ chức các cuộc diễn tập, kêu gọi các nước ở khu vực và trên thế giới cùng tham gia song ta chưa làm.
Tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình là một loại ngoại giao chính trị đặc biệt, được coi là lực lượng bảo vệ tổ quốc từ xa trong thời bình.
Trong 9 năm (2005 - 2014), Bộ Quốc phòng nghiên cứu, chuẩn bị mọi mặt để Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ). Tháng 5/2013, Bộ Chính trị phê duyệt đề án tổng thể Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình thế giới. 7 tháng sau, Đại tướng Phùng Quang Thanh khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng trình Chính phủ phê duyệt Đề án Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo. Đây là những đề án làm cơ sở, đưa nước ta ra khỏi danh sách ba nước ASEAN chưa có lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình là Việt Nam, Lào và Myanmar. Tháng 5/2014, Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam được thành lập. Một tháng sau, hai sĩ quan đầu tiên là Trần Nam Ngạn và Mạc Đức Trọng được cử đi làm nhiệm vụ tại Cộng hòa Nam Sudan. |
Hoàng Phương