Chiều 14/3, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ban chỉ đạo đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức đã họp phiên thứ hai, lấy ý kiến lãnh đạo các bộ ngành để hoàn thiện, trình Bộ Chính trị trong tháng 3.
Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội có số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, có phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; đưa ra khỏi công vụ những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, công vụ.
Theo đề án, từ nay đến năm 2014, giữ nguyên biên chế đã giao từ năm 2012, tạm thời không tăng biên chế trong các cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, trừ trường hợp cơ quan thành lập mới, tăng thêm nhiệm vụ; không giao biên chế cho công việc có tính thời vụ, giai đoạn; kiên quyết xóa bỏ bao cấp về kinh phí hoạt động đối với các tổ chức hội; sắp xếp lại bộ đa ngành, đa lĩnh vực, nghiên cứu thành lập cơ quan về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức. Dự kiến đề án được thực hiện từ tháng 6/2013 đến tháng 12/2020.
Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức phải bảo đảm tính đồng bộ trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp huyện, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm tư, tư tưởng của cán bộ công chức, đồng thời phải bảo đảm sự hoạt động liên tục, bình thường của các cơ quan, tổ chức.
Phát biểu chỉ đạo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là một vấn đề khó, nhạy cảm, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tinh giản biên chế là điều cần thiết, tinh giản theo hướng giảm số lượng, từ đó cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức một cách hợp lý. Phạm vi sẽ áp dụng trong toàn bộ khối cán bộ, công chức ở tất cả các cấp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Hiện chưa đặt vấn đề tinh giản đội ngũ viên chức trong đề án.
Đồng ý với việc thành lập một cơ quan quản lý biên chế công chức của quốc gia, song Phó thủ tướng yêu cầu cơ quan này không phải là nơi “xin - cho”, tạo tầng nấc hành chính trung gian để tạo ra nhũng nhiễu, bất cập mà chỉ là cơ quan quản lý, rà soát đội ngũ cán bộ, công chức.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ ngành, tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh rõ hơn, cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào những vấn đề lớn và tương thích với những đề án được trình Bộ Chính trị; đồng thời đưa ra đồng bộ các nhóm giải pháp, chính sách cả đầu vào và tinh giản biên chế, đi sâu vào việc khắc phục những bất cập trước đây.
Theo TTXVN/Chinhphu.vn