Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa vừa đồng ý cho Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan đóng hầm Thủ Thiêm (nối quận 1 và quận 2) để đảm bảo tuyệt đối an toàn khi vệ sinh, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị bên trong đường hầm.
Giám đốc Sở Giao thông có quyền xem xét, quyết định việc đóng hầm (theo từng chiều lưu thông) tối đa 3 giờ vào thời gian thấp điểm (từ 0h đến 3h ngày cuối tuần).
Ông Khoa cũng giao Sở Giao thông phối hợp với công an thành phố, lực lượng Thanh niên xung phong để điều tiết lưu thông theo lộ trình thay thế trong khoảng thời gian đóng hầm, đảm bảo an toàn và thuận lợi cho người dân.
Trước đó, khuya 20/4, xe tải loại 1,5 tấn chạy sau ôtô 7 chỗ màu trắng đi vào hầm Thủ Thiêm, hướng từ cầu vượt Cát Lái (quận 2) sang trung tâm Sài Gòn. Vào sâu trong hầm khoảng 300 m, ôtô trắng giảm tốc độ khiến tài xế xe tải đạp thắng để tránh húc vào đuôi.
Xe tải loạng choạng, trượt, húc đầu vào 5 công nhân đang làm vệ sinh quanh xe bồn chở nước. Vụ tai nạn làm anh Phạm Thanh Phong (35 tuổi, ngụ Bình Thạnh) tử vong, những người còn lại bị thương. Đây là vụ tai nạn chết người đầu tiên, nghiêm trọng nhất từ khi hầm được đưa vào sử dụng.
Thủ Thiêm là hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được thông xe cuối năm 2011. Đường hầm có lắp camera quan sát và bố trí nhân viên cứu hộ ở hai đầu để kịp thời xử lý các sự cố nếu có. Nó luôn được vệ sinh vào mỗi đêm.
Do hầm Thủ Thiêm nằm sâu dưới lòng sông Sài Gòn (cách mặt nước hơn 20 m, chỗ sâu nhất đến 27 m), nếu xảy ra sự cố hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Việc bảo đảm an toàn trong hầm được đặc biệt quan tâm.
Hữu Công