Sau khi hệ thống thông báo bay tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị tin tặc tấn công lúc 16h ngày 29/7, nhà chức trách đã tắt hệ thống mạng nội bộ khiến khâu làm thủ tục bay bị đình trệ, ùn ứ hành khách.
19h, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) dày đặc người xếp hàng chờ đợi tại khu vực check-in, vẻ sốt ruột. Hàng chục dòng người xếp hàng chen chúc chờ được làm thủ tục. Nhiều người vì chờ đợi quá lâu đã ngồi bệt xuống đất.
Tất cả ghế chờ tại sân bay không còn chỗ trống. Tại các cửa ra vào khu vực làm thủ tục, lực lượng an ninh sân bay xuất hiện dày đặc. Hàng khách phải trình vé hoặc mã code mới được vào trong. Loa sân bay thông báo về sự cố kỹ thuật và mong hành khách thông cảm.
Chị Vy (25 tuổi) cho biết đã chờ suốt 2 tiếng nhưng vẫn chưa đến lượt làm thủ tục, trong khi chuyến bay của chị theo lịch trình ra Hà Nội chỉ còn 20 phút. "Họ nói hệ thống kỹ thuật bị trục trặc, yêu cầu chúng tôi chờ đợi tiếp, có gì sẽ thông báo", chị này nói.
Người phụ nữ trung niên dắt con trai tỏ thái độ bực dọc, liên tục gọi điện thoại cho người thân rồi quay sang trách móc phía sân bay, yêu cầu phải đổi chuyến. Khá nhiều nhân viên sân bay đến những nơi có hành khách đông nhất hỏi thông tin chuyến bay, đồng thời hướng dẫn di chuyển đến những cửa làm thủ tục khác vừa được tăng viện.
>> Hành khách vật vã ở sân bay Tân Sơn Nhất vì sự cố tin tặc
20h, tại nhà ga T1 sân bay Nội Bài (Hà Nội), khu vực làm thủ tục của Vietnam Airline tất cả màn hình điện tử tối đen. Các loa thông báo điện tử không hoạt động. Trước quầy làm thủ tục, hành khách xếp hàng dài vài chục mét với lỉnh kỉnh hành lý, gương mặt mệt mỏi. Lực lượng an ninh được tăng cường đứng tại sảnh chờ để hướng dẫn khách làm thủ tục.
Anh Võ Chí Thành ở TP HCM cho biết, đến Nội Bài lúc 19h30 và bất ngờ khi thấy hành khách dồn ứ ở khu vực làm thủ tục. "Chỉ 15 phút nữa máy bay cất cánh mà tôi vẫn phải chờ đợi vài chục người nữa mới đến lượt mình check-in. Thế này chắc chắn là chậm chuyến rồi", anh Thành nói.
Hành khách Hải Linh bay vào TP HCM chuyến 20h cho hay, anh có mặt tại Nội Bài lúc 18h, khu vực làm thủ tục đông bất thường, màn hình các khu vực check in sẫm xịt, không có bất cứ thông báo nào được phát trên loa. "Thay vào đó nhân viên hàng không ra tận khu vực xếp hàng để thông báo chuyến bay sắp khởi hành", anh nói và cho biết thêm, nhân viên mặc sắc phục an ninh xuất hiện nhiều, bộ đàm cầm tay đi lại khắp sảnh làm thủ tục, trấn an hành khách.
Do lượng hành khách dồn chuyến quá lớn nên các khu vực ăn nhanh cũng đông hơn bình thường. Tuy nhiên không có bát cứ sự lộn xộn nào. "Đa phần mọi người đều bình tĩnh. Có phụ nữ dắt theo 2 con nhỏ nhưng cũng không dùng quyền ưu tiên", anh Linh cho biết.
Đến 21h, các quầy check-in đã bắt đầu thưa khách. Các bảng điện tử vẫn chưa được khôi phục. Lực lượng an ninh cũng rút bớt.
Video: Hành khách ùn ứ tại sân bay Nội bài.
Tại sân bay Phú Quốc (Kiên Giang), gần 16h hệ thống mạng nội bộ bị rớt trong vài phút nhưng không xuất hiện các hình ảnh, thông tin sai lệch về biển đảo như tình trạng tại sân bay Tân Sơn Nhất.
"Lực lượng quản trị mạng của sân bay đã chuyển sang hệ thống nội bộ và nhanh chóng khắc phục được sự cố. Thời điểm đó có 5-6 chuyến bay nhưng mọi hoạt động vẫn đảm bảo.", ông Nguyễn Minh Đông, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết.
Trừ Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, các sân bay khác vẫn hoạt động bình thường. Đại diện An ninh sân bay Đà Nẵng cho biết, sau sự cố ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài, cảng hàng không Đà Nẵng đã tăng cường bảo mật cho tất cả hệ thống, ngăn chặn việc can thiệp từ xa. Với những thiết bị có thể can thiệp trực tiếp, an ninh đã tăng người để quan sát và theo dõi qua camera.
"Nếu phát hiện người lạ can thiệp vào các thiết bị ở sân bay, chúng tôi sẽ kiểm tra hành chính và sẵn sàng cưỡng chế", lãnh đạo An ninh sân bay Đà Nẵng nói.
Tại sân bay Vinh (Nghệ An), hệ thống check-in điện tử hoạt động như thường lệ. Các màn hình điện tử sáng đèn, thông báo lịch trình chuyến bay đi và đến. Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cho biết, để tránh tin tặc tấn công như ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Bộ Giao thông đã hướng dẫn cách xử lý, như ngắt loa phóng thanh, chuyển sang làm check-in thủ công.
Theo đại diện Vietnam Airlines, khoảng 16h ngày 29/7, trang mạng chính thức của Vietnam Airlines đã bị chiếm quyền domain và chuyển sang trang web xấu ở nước ngoài. Đến 17h45, hệ thống đã được khôi phục và kiểm soát chặt chẽ. Các hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống dữ liệu của Vietnam Airlines bị tấn công đã được cô lập, kiểm soát.
Phía sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và hãng hàng không đã tăng cường người, trang thiết bị thông báo bay đến hành khách. Hệ thống loa sân bay đều đã được thay thế bằng loa tay để thông báo cho hành khách ra cửa máy bay. Sân bay Nội Bài đang nỗ lực để hành khách đảm bảo thời gian làm thủ tục bay, không để chuyến bay bị chậm chễ quá nhiều.
Trước lo ngại sự cố tin tặc ảnh hưởng tới hoạt động bay, lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam khẳng định, hệ thống quản lý bay của Nội Bài và Tân Sơn Nhất là nội bộ (intranet) độc lập, không kết nối với mạng Internet nên không thể bị tấn công bởi tin tặc xâm nhập từ bên ngoài. Toàn bộ các chuyến bay vẫn được điều hành an toàn tuyệt đối.
Hiện Cục Hàng không Việt Nam và Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã chỉ đạo Cảng vụ hàng không cùng các đơn vị có liên quan phối hợp với Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85) và Cục An ninh mạng (A68 Bộ Công an) để điều tra. Hiện chưa có nghi vấn nào về thủ phạm được đưa ra.
Nhóm phóng viên