Ông Lê Đình Quyết - Phó phòng dự báo khí tượng (Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ) - cho biết, tháng 4 là thời điểm giao mùa nên thời tiết mang tính cực đoan.
TP HCM và một số tỉnh lân cận có thể đối mặt với mưa lớn, sấm chớp dữ dội và mưa đá. Tuy nhiên, mưa lớn cũng đan xen với nắng nóng oi bức nhất trong năm, nền nhiệt trung bình 35-39 độ C.
Theo ông Quyết, trung bình tháng 4 hằng năm, tổng lượng mưa ở TP HCM chỉ khoảng 20-30 mm. Nhưng năm nay, chỉ riêng cơn mưa hôm 1/4 đã vượt mức. Lượng đo được ở các trạm Tân Sơn Hòa là 162,9 mm; Nhà Bè 42,7 mm; Thủ Đức: 56,6 mm; Mạc Đĩnh Chi 37,7 mm…
Đặc biệt, đợt mưa này kéo dài đến 6 ngày (30/3-4/4) và diễn ra trên 2/3 các tỉnh Nam Bộ. Đây là hiện tượng hiếm hoi, chưa có mùa khô nào xuất hiện đợt mưa kéo dài đến một tuần và trải dài trên diện rộng.
Nguyên nhân được ông Quyết chỉ ra là biến đổi khí hậu toàn cầu đang tác động đến nước ta. Hồi đầu năm dự báo Enso (pha trung tính) diễn ra trong năm, song đến cuối tháng 2 cả thế giới đều dự báo thời tiết chuyển sang Elnino.
"Bình thường, Elnino từ 3 đến 5 năm mới quay trở lại, song hiện tượng này mới chấm dứt từ nửa đầu năm ngoái, giờ lại xảy ra. Đây là chu kì ngắn nhất trong lịch sử", ông Quyết nói.
Chuyên gia khí tượng khuyến cáo người dân nên tránh những cơn mưa trái mùa, vì nước mưa mang theo nhiều chất độc hại, bụi ô nhiễm; nếu tiếp xúc sẽ mắc một số bệnh. Đặc biệt, trong cơn dông có sấm sét, tố lốc cần cẩn thận khi ra đường.
Cơn mưa trái mùa chiều 1/4 được ghi nhận lớn nhất từ trước đến nay tại TP HCM. Nó kéo dài nhiều giờ khiến hàng loạt tuyến đường tại quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Phú.... ngập sâu.
Riêng tại quận Thủ Đức nước chảy như thác, cuốn trôi nhiều xe máy. Tuyến đường sắt qua khu vực phường Linh Đông (Thủ Đức) bị nhấn chìm khiến nhân viên phải báo hiệu phong toả từ ga Sóng Thần đến ga Bình Triệu.
Mưa cũng khiến hàng chục chuyến bay trong nước và quốc tế ở Tân Sơn Nhất phải hủy hoặc chậm giờ. Nhiều chuyến đến TP HCM phải hạ cánh ở sân bay lân cận.
Phú Mỹ