Công viên 23/9 (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM) trưa 13/1 có nhiều khách nước ngoài thả bộ chụp ảnh, vài bạn trẻ ngồi ghế đá tán gẫu, một số người khác thong dong ngắm cảnh. Chỉ gần 2 tháng trước, khu vực này là "điểm đen" tập trung rất nhiều người nghiện đến chích, phê ma túy khiến người dân không dám bén mảng.
Một bảo vệ của công viên cho biết, tình trạng người nghiện lang thang ở đây giảm hẳn, không còn thấy cảnh họ thản nhiên hút chích tại nơi công cộng rồi đi hết chỗ này, chỗ kia xin tiền.
“Ngày trước có khi 20-25 người vào công viên hút chích cùng lúc. Khách du lịch, người dân không dám qua lại, công viên thành nhà của người nghiện và ngay cả mình là bảo vệ mà cũng ớn, cũng bị họ xin đểu. Từ khi thành phố triển khai đưa họ đi cai mọi thứ mới thay đổi”, anh này nói.
“Đây là sự thay đổi đáng mừng” - anh Huỳnh Hữu Tài, nhân viên một công ty gần đó tranh thủ giờ nghỉ trưa ra công viên dạo mát cho biết. “Trước, tôi không dám ra khu này. Bên gốc cây, ghế đá, người nghiện tập trung hút chích rồi lang thang xin tiền, nhìn sợ lắm. Giờ thì thoải mái rồi, cảm giác an toàn hơn”, anh Tài nói.
Còn ông Hoàng hành nghề xe ôm ở công viên bảo rằng: "Đứng đón khách ở đây tôi rất yên tâm vì không còn bị dúi những nắp chai, ép mua với giá 10-20.000 đồng của những người nghiện nữa. “Anh nào ló ra công viên hút chích liền bị công an, dân phòng đưa đi liền chứ không như trước. Công viên thấy nhiều người đến dạo chơi hơn, tui cũng có thêm ít khách”, ông Hoàng cười tươi, nói.
Trao đổi với VnExpress, chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão Lê Thanh Tuấn cho biết, tại các nơi công cộng trên địa bàn, người nghiện đã giảm 90% so với trước. Người dân, khách du lịch cũng an tâm và thoải mái hơn khi qua lại những nơi trước đây là "điểm đen" về tiêm chích ma túy. "Hiện, lực lượng công an, dân phòng túc trực 24/24 tại các điểm công cộng để đảm bảo an ninh trật tự. Lực lượng tuần tra cũng thay phiên rà soát trên phố để kiểm tra kịp thời phát hiện người nghiện đưa vào cơ sở xã hội", ông Tuấn nói.
Tương tự, chị Lan - công nhân vệ sinh phải thường xuyên nhặt kim tiêm tại công viên mini dọc quốc lộ 22 (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) mấy tháng trước - cho biết, công việc của chị hiện không còn nguy hiểm nữa vì thỉnh thoảng mới bắt gặp một vài kim tiêm. “Lúc trước họ vào ngay trong công viên hút chích rồi nằm ngủ tại đó, mỗi ngày tôi nhặt cả mấy thau kim tiêm đi đổ. Giờ giảm hẳn rồi”, chị Lan cho biết.
Tại các điểm nóng ở TP HCM nơi tập trung đông người nghiện như công viên Hòa Bình, Âu Lạc (quận 5), Phú Lâm (quận 6), bến xe An Sương (Hóc Môn), đại lộ Võ Văn Kiệt... tình trạng người nghiện hút chích công khai, đông đảo như ngày trước cũng không còn.
Một tháng rưỡi sau khi UBND TP HCM triển khai chiến dịch truy quét tệ nạn xã hội, 24 quận huyện qua kiểm tra đã phát hiện hơn 3.000 trường hợp dương tính với chất ma túy, khoảng 1.700 người được đưa vào các cơ sở xã hội. Trưởng Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội Trần Ngọc Du trong cuộc họp gần đây nhận định, việc tháo gỡ vướng mắc của Luật xử lý vi phạm hành chính, đưa được người nghiện vào các cơ sở xã hội khiến người nghiện lang thang ngoài cộng đồng giảm mạnh. Người dân cũng yên tâm sinh hoạt, làm việc tại các điểm công cộng.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP HCM từng nhấn mạnh, việc đưa được người nghiện vào các cơ sở xã hội khiến tội phạm ở thành phố giảm đi, người dân yên tâm sinh sống.
Theo Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội TP HCM, đến ngày 14/1, hơn 300 người nghiện không có nơi cư trú ổn định đã nhận quyết định đi cai bắt buộc. Tòa án cũng đang thụ lý khoảng 500 bộ hồ sơ đề xuất đưa người nghiện đi cai.
Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận khẳng định, việc rà soát, đưa người nghiện sống lang thang, không có chỗ ở ổn định vào cơ sở cắt cơn, giải độc rồi đưa đi cai nghiện bắt buộc theo Luật xử lý vi phạm hành chính sẽ phải hoàn thành trước Tết Nguyên đán.
Duy Trần