Theo Sở Xây dựng TP HCM, hiện số nhà ven và trên kênh rạch cần giải tỏa là hơn 17.000 căn, phát sinh hơn 7.000 so với trước. Nguyên nhân do số liệu khảo sát trước đây không chính xác, thay đổi ranh giải tỏa và hành lang bảo vệ kênh rạch cộng với việc các quận cũng có thêm nhiều nhánh kênh rạch cần chỉnh trang.
Ngoài ra, Sở còn cho rằng lượng nhà lụp xụp ven kênh rạch thành phố có thể cao hơn con số 17.000 bởi số liệu khảo sát không bao gồm 67 tuyến kênh rạch chưa có số liệu khảo sát, chưa cắm mốc hành lang an toàn nằm rải rác ở các quận 7, quận 8, quận 12.
Với lượng nhà "ổ chuột" lớn như vậy, theo Sở Xây dựng, nếu đặt mục tiêu giải tỏa di dời toàn bộ trong thời gian ngắn như trước đây (2016-2020) là không khả thi, cần chia thành các nhóm ưu tiên để thực hiện. Vì vậy, trong 5 năm tới, thành phố cần tập trung di dời 11.600 hộ sống dọc các tuyến kênh như Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên, công viên bờ kênh Tẻ, các rạch Hàng Bàng, Văn Thánh, Cầu Sơn, Bùi Hữu Nghĩa, Xuyên Tâm, Bàu Trâu, Rạch Nhảy – Ruột Ngựa, ao Sông Tân... với tổng nhu cầu vốn thực hiện đền bù, giải tỏa vào khoảng 12.400 đồng.
Chương trình di dời nhà ven và trên kênh rạch ở địa bàn thành phố được thực hiện từ 1993 đến nay đã di dời, tái định cư được gần 35.600 hộ thuộc nhiều tuyến kênh rạch trên địa bàn 12 quận huyện và TP HCM đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để đền bù, giải tỏa.
Theo kế hoạch, sau khi di dời, các con kênh này sẽ được chỉnh trang, làm sạch giống kênh Nhiêu Lộc. Những khu đất ven kênh được tận dụng làm công viên cây xanh hoặc xây nhà tái định cư. Trước đây, TP HCM chủ trương cắt nguồn vốn ngân sách, thu hút xã hội hóa nhưng do chậm trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ cộng với việc các nhà đầu tư không thấy được lợi nhuận từ dự án nên họ sớm rút lui.
Trung Sơn