16h mây đen bao phủ bầu trời Sài Gòn, kèm theo gió giật. Cơn mưa lớn đổ ụp xuống sau đó khiến nhiều người đi đường ướt sũng vì không mang theo áo mưa. Xe máy, ôtô chạy trên đường phải bật đèn vì trời tối.
"Thời tiết lạ quá, có năm nào mà mới Tết xong lại mưa ngập đường thế này đâu, đang mùa khô mà", chị Hà ngụ huyện Nhà Bè chia sẻ.
Mưa đổ xuống nhiều khu vực như quận 7, Nhà Bè, quận 1, 3, 5, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh... thỉnh thoảng có sấm chớp.
Đến 17h30, nhiều tuyến đường bị ngập nặng như: Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh), Lê Văn Lương (Nhà Bè) và một số nơi tại quận Tân Phú.
Cơn mưa trái mùa khá lớn kéo dài hơn 30 phút cũng đổ xuống Cần Thơ, TP Biên Hòa (Đồng Nai) và các huyện lận cận như Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu... khiến nhiều đường như ngập cục bộ.
Do mưa đúng thời điểm tan tầm của các khu công nghiệp nên nhiều nơi bị ùn tắc giao thông.
Ông Đặng Văn Dũng – Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết, trong hai ngày qua khu vực Nam bộ liên tục xuất hiện những cơn mưa trái mùa kèm sấm, chớp và đây là "hiện tượng đặc biệt hiếm".
Nguyên nhân gây mưa lớn ở TP HCM và một số tỉnh Nam Bộ là khu vực này đang chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp ở phía Bắc kết hợp với lưỡi cao áp lạnh đang tăng cường xuống phía Nam. Lượng mưa ghi nhận vào tối qua ở Sở Sao (Bình Dương) là 94 mm, Củ Chi (TP HCM) 62 mm và ở Gành Hào (Bạc Liêu) là 83 mm.
Theo ông Dũng, ghi nhận đến chiều tối nay, hầu hết các quận huyện trên địa bàn TP HCM đều có mưa trừ khu vực huyện Cần Giờ ở phía nam thành phố. Lượng mưa lớn nhất đo được là ở quận 8 với vũ lượng 97 mm.
"Trong 2 ngày tới TP HCM và một số tỉnh Nam Bộ sẽ tiếp tục mưa, song lượng mưa sẽ giảm dần", Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo.
Trước đó, người dân Sài Gòn cũng ngỡ ngàng vì trận mưa lớn bất chợt đổ xuống chiều 25/1 (28 Tết).
Hữu Nguyên - Phước Tuấn