"Cuốn sách giáo khoa do Bộ Giáo dục của nước Trung Hoa dân quốc phát hành nên có thể coi đây là sự thừa nhận về mặt nhà nước, rằng hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không phải của họ", PGS Trịnh Khắc Mạnh, Viện nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nói và đánh giá đây là tư liệu rất quan trọng.
Ông Mạnh cho biết, tư liệu này nằm trong bộ bản thảo dày 3.000 trang của công trình nghiên cứu "Thư mục Hán Nôm về biển đảo Việt Nam", đã được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiệm thu.
Một phần của bộ tư liệu này lần đầu được công bố nằm trong cuốn sách có độ dày hơn 480 trang, có tên gọi "Những tư liệu về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông".
PGS Mạnh cho hay, cuốn sách gồm 46 tư liệu, đa số đã được công bố dưới các hình thức khác nhau, song đây là lần đầu tiên nguyên bản gốc được giới thiệu rộng rãi trong đó có 17 tư liệu là bộ sử, 18 bản đồ. “Các tư liệu thể hiện nhất quán việc quản lý của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và cả vùng biển của chúng ta ở Biển Đông”, PGS Mạnh khẳng định.
46 tư liệu lần này tập trung vào 3 luận điểm chính. Một là chứng minh hàng năm, Nhà nước Việt Nam, từ thời chúa Nguyễn đến nay đều cử người ra đo vẽ bản đồ Hoàng Sa và Trường Sa để phục vụ việc quản lý. Thứ hai, các nhà nước phong kiến đã thành lập những đội quản lý, ra xây miếu lập bia, đưa người dân ra trồng rau sinh sống ổn định từ thế kỷ 17. Những điều này đã được đưa vào chương trình sách giáo khoa ở Việt Nam.
“Từ thời Vua Minh Mạng, việc quản lý có bước phát triển mới. Có nhà buôn Ma Cao, Trung Quốc khi bắt gặp bản đồ ghi Hoàng Sa là của Việt Nam đã dâng lên vua Gia Long chứ không phải là dâng vua nhà Thanh. Điều này cho thấy người Trung Quốc đã ý thức rất rõ chủ quyền của đất nước chúng ta với Hoàng Sa”, vị Phó giáo sư nhấn mạnh.
Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Nguyễn Xuân Thắng cho hay, các tư liệu về việc thực thi chủ quyền của nhà nước phong kiến là những bằng chứng pháp lý vững chắc.
Ông Thắng cũng thông tin, trong bộ tư liệu này còn có cuốn sách Giao Châu dư địa chí của các tác giả Trung Quốc viết lại theo một cuốn sách thời nhà Minh, đã công nhận quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.
Theo ông Thắng, cơ quan này sẽ gửi tặng sách đến thư viện các tỉnh trong cả nước và có kế hoạch dịch sách ra tiếng Anh để giới thiệu với bạn bè quốc tế. “Qua các hội thảo, các cuộc liên lạc với cơ quan nghiên cứu phía Trung Quốc, các học giả, tri thức Trung Quốc cũng sẽ đọc được những tư liệu này”, ông Thắng nói.
Chí Hiếu