Đầu tháng 5, những thửa ruộng tại xã Hòa Bình (Chi Lăng, Lạng Sơn) trống trơn, trái ngược với cùng kỳ năm ngoái ruộng nào cũng trồng thuốc lá, ngô, bí xanh mọc lên xanh mướt. Ông Vi Văn Huy, Phó chủ tịch xã Hòa Bình phân trần: “Ở đây người dân chỉ cấy lúa vụ hè thu vì không có nước nên vụ đông xuân chủ yếu trồng màu. Nhưng vài năm gần đây thanh niên, phụ nữ đi làm công nhân hết rồi, thiếu nhân lực không canh tác được hết quỹ đất”.

Xen lẫn giữa những thửa ruộng trồng màu thì khá nhiều thửa ruộng không được canh tác. Ảnh: Hồng Vân
Gần trưa, con đường vào thôn Pa Làng (xã Hòa Bình) vắng vẻ, anh Vi Văn Long (35 tuổi) đang lúi húi dọn dẹp nhà cửa, hái mấy nắm rau lang chăn lợn. Vợ anh làm công nhân tại một khu công nghiệp tại Bắc Giang, thi thoảng được nghỉ mới ghé thăm nhà. Anh ở nhà phụ trách ruộng nương, chăn nuôi lợn gà và chăm nom con gái học lớp 2.
Tâm sự về gia đình, anh cho biết vợ hơn 2 năm qua làm công nhân tại Bắc Ninh, sau đó chuyển về Bắc Giang. Được bố mẹ chia cho hơn một mẫu ruộng mẫu nương, vụ hè thu có nước thì anh nhờ, thuê người cấy hái và trồng ngô, đến vụ đông xuân chỉ có một mình nên anh túc tắc làm ít ngô, nuôi con lợn nái.
“Mấy năm trước vợ còn ở nhà, vụ này không cấy được thì vợ chồng đi trồng ngô, trồng thuốc lá, bây giờ có một mình làm không xuể nên cứ đến vụ đông xuân tôi cho anh trai canh tác”, anh Long chia sẻ.

Vợ đi làm công nhân 2 năm nay, anh Long vừa làm bố vừa làm mẹ nuôi con gái học lớp 2. Ảnh: Hồng Vân
Không chỉ gia đình anh Long, đa số hộ trong thôn năm nay đều để đất trống vụ đông xuân. Thanh niên, phụ nữ đều đi lao động xa nhà, cảnh đàn ông vừa là bố vừa là mẹ như anh không hiếm. “Con cái ngày càng lớn, mẹ ở xa nó cũng thiệt thòi, mình làm bố nhưng lại là đàn ông có những chuyện không tâm lý bằng chị em. Con mình lắm lúc mở TV xem phim có những cảnh đoàn tụ gia đình cũng thấy nó tủi thân”, người đàn ông vừa gấp quần áo cho con vừa nói.
Trước đây, đất đai không bao giờ được “nghỉ”, quanh năm ngày tháng người nông dân cày bừa trồng các loại rau màu thì hiện nay cỏ mọc xanh ruộng, trâu bò tha hồ gặm. Theo anh Long, trong thôn có khoảng 100 hộ thì đến hơn 40 người đi “công ty”. Làm nông nghiệp vất vả, mỗi vụ số tiền lãi chỉ đủ bù cho chi phí và công sức bỏ ra nên nhiều người không mặn mà. Trong khi đó, làm thuê, làm công nhân ở ngoài mỗi tháng ít nhất cũng kiếm được 4 triệu, thêm tiền tăng ca, làm ca đêm tính ra vẫn được khá hơn làm ruộng.
“Các khu công nghiệp mở rộng phát triển quy mô cần nhiều nhân lực nên nhu cầu đi tìm việc của người dân cũng là chính đáng. Chính quyền cũng tuyên truyền để bà con cố gắng trồng màu, không bỏ ruộng vụ đông xuân này, nhưng gia đình họ thiếu người nên cũng khó. Bà con chỉ trồng một ít rồi đợi đến vụ hè thu mới cấy lúa”, Phó chủ tịch xã Hòa Bình cho hay.
Không riêng xã Hòa Bình, một số xã lân cận như Bằng Mạc, Vạn Linh, Thượng Cường, tình trạng ruộng đất vụ đông xuân không canh tác khá phổ biến. Bà Triệu Thị Thảo (52 tuổi, trú xã Vạn Linh) luôn miệng cất tiếng gọi cháu trai đang nghịch nước dưới bể buổi trưa lên mặc quần áo nhanh kẻo cảm lạnh. Bà có hai người con trai đều đang đi lao động thuê tại Trung Quốc, con dâu cả đi “công ty”, cháu trai 7 tuổi sang ở cùng ông bà nội. Hai năm nay, cứ đến vụ cày cấy ông bà đều thuê người làm còn vụ đông xuân có thời gian thì trồng ít ngô cho lợn, gà. Gần phiên chợ bà lại túc tắc làm cao khô bán kiếm chút tiền mua thức ăn.

Cả con trai, con dâu đều đi làm xa nhà, vợ chồng bà Thảo nuôi dạy cháu trai, nhà ít người nên ruộng vụ đông xuân đành để không. Ảnh: Hồng Vân
“Nhà tôi có hơn một mẫu ruộng và một mẫu nương, mùa này chỉ trồng ngô, muốn trồng thuốc lá cũng không có người hộ, tiếc chỗ đất vụ này không làm được lắm. Nhà tôi tính bà con có ai làm được thì cho làm, nhưng nhà nào cũng neo người, con cái đi công ty hết nên đành chịu”, bà Thảo chia sẻ.
Cầm quyển vở tập viết với những nét chữ đều tăm tắp của cháu trai, bà Thảo hồ hởi khoe tuần trước cậu bé được đi thi vở sạch cấp huyện. Nghe bà nói vậy, Tuy lục trong tủ lấy ra tấm giấy khen học sinh giỏi năm ngoái và kỳ I lớp 2. Khi được hỏi có nhớ bố mẹ không, cậu bé hồn nhiên trả lời: “Bố mẹ đi kiếm tiền nuôi Tuy, dặn Tuy ở nhà chăm học nghe lời ông bà, nhưng mà buổi tối Tuy sợ ma”, nói xong cậu bé xấu hổ chạy sang nhà hàng xóm.
Trong thôn xóm, rất ít gặp thanh niên, chỉ có những đứa trẻ ở với ông bà hoặc bố chăm con để mẹ đi làm công nhân khu công nghiệp. Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch xã Vạn Linh cho hay, theo thống kê thì năm ngoái số người trong xã đi lao động ở chỗ khác là khoảng 400, năm nay có thể cao hơn. “Những người đi làm ăn xa đang nằm trong độ tuổi lao động như thanh niên, phụ nữ nên vụ đông xuân ruộng đất không trồng màu do nhà nào cũng neo”, chủ tịch xã nói.
Hồng Vân