Ông Lê Đình Quyết - Phó phòng dự báo khí tượng Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ - cho biết, trạm radar Nhà Bè được xây dựng và đưa vào hoạt động từ 13 năm trước. Do hoạt động liên tục nhiều năm, trạm đã xuống cấp và thỉnh thoảng không thu được tín hiệu nhưng không ảnh hưởng nhiều.
Ông Quyết khẳng định, để ra được bản tin dự báo thời tiết, đơn vị sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật, công nghệ như: ảnh mây vệ tinh, sản phẩm mô hình số trị, số liệu khí tượng mặt đất, số liệu khí tượng cao không... chứ không chỉ căn cứ duy nhất vào trạm radar.
"Trạm sau đợt duy tu bảo dưỡng thay thế năm 2015 vẫn hoạt động tốt, gửi tín hiệu đều đặn về cho đài. Tuy nhiên, radar phục vụ cho xây dựng dự báo thời tiết ở các nước trên thế giới chỉ 10 năm là thải loại", ông Quyết nói.
Ngoài việc là trung tâm dự báo cho cả khu vực Nam Bộ và TP HCM, trạm radar Nhà Bè còn có nhiệm vụ dự báo mưa, cung cấp dữ liệu cho trung tâm chống ngập TP HCM. Tuy nhiên, do công nghệ lạc hậu nên trạm không dự báo chính xác về mưa cụ thể từng quận, huyện để phục vụ yêu cầu chống ngập của thành phố.
Việc chống ngập được TP HCM xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên một trạm radar dự báo gió, mưa đang được đề xuất xây dựng tại huyện Củ Chi.
"Dự án do UBND thành phố làm chủ đầu tư, đài chỉ có chức năng tham mưu về kỹ thuật, công nghệ và vị trí đặt trạm. Công nghệ được cân nhắc là radar băng sóng S có giá tầm 2-2,2 triệu USD", ông Quyết cho biết.
Trạm radar thời tiết Nhà Bè là chủng loại Dopple DWSR-2500C, hoạt động trên băng sóng C, thiết bị do hãng EEC- Hoa Kỳ sản xuất, có khả năng quét tín hiệu với bán kính 240 km. Hiện, sân bay Tân Sơn Nhất cũng có trạm radar cùng chủng loại nhưng chỉ phục vụ cho hàng không.
Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang tính toán việc nâng cấp tổng thể 3 trạm radar Nhà Bè, Nha Trang, Tam Kỳ; có thể xây thêm trạm ở Cà Mau và Trường Sa.
Hoài Nhơn