
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son. Ảnh: HT.
Chiều 17/9, Uỷ ban thường vụ Quốc hội lần đầu cho ý kiến về Dự thảo luật báo chí sửa đổi.
Trình bày thẩm tra sơ bộ Dự thảo luật, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhận xét, về tổng thể, dự thảo Luật Báo chí đã kế thừa những nội dung cơ bản của Luật hiện hành, tiếp cận xu hướng phát triển của báo chí nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và để phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, điểm mới của Dự thảo luật so với Luật hiện hành là bổ sung một chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; Quan tâm đến kinh tế báo chí; Thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí...
Tuy nhiên, Dự thảo luật còn một số bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung. Trước hết là về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí, điều 25 Hiến pháp quy định “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…”. Trong khi đó, Dự thảo luật lại phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo, còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân.
"Quyền tự do báo chí quá rộng, muốn bao quát toàn bộ nội dung quy định của Hiến pháp về quyền tự do báo chí nhưng lại không chỉ rõ quyền này của ai, còn nội dung của Điều luật cũng chưa thể hiện đầy đủ nội hàm của quyền này. Bởi vậy, thường trực uỷ ban đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, chỉ nên quy định nguyên tắc chung về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và cụ thể hóa các quyền này tại các chương phù hợp theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013", ông Thi nói.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội cho rằng quyền tự do ngôn luận cần phải xem xét ở cả hai góc độ là quyền công dân và quyền tự do báo chí. Như vậy mới đúng với tinh thần Hiến pháp 2013.
"Dự thảo Luật sửa đổi nói chức năng của báo chí là diễn đàn của nhân dân, nhưng tại tờ trình lại nói báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Báo chí phục vụ tuyên truyền đường lối của Đảng nhưng cũng phải đưa thông tin cho người dân và đưa tiếng nói của người dân đến Đảng và Nhà nước. Như vậy mới đúng với mục tiêu hoạt động báo chí của Việt Nam", bà Mai nói.
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng khẳng định, quyền tự do báo chí đã hiến định nên việc sửa luật là để công dân thực hiện được quyền tự do đó, cũng như để hoạt động báo chí đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, theo ông Lý, Dự thảo luật này mới chỉ đi sâu vào nghề làm báo và đưa ra các cách để quản lý báo chí, còn vấn đề làm sao để cho công dân thực hiện quyền tự do báo chí thì chưa thể hiện rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, hiện nay thiếu một khái niệm về báo chí hoàn chỉnh. Trong điều kiện thông tin mạng phát triển, nếu các trang thông tin điện tử bị cho ra ngoài Luật báo chí thì quản lý nhà nước sẽ rất khó làm việc.
Sự tham gia của người dân vào hoạt động báo chí cũng được bà Mai và ông Ksor Phước (Chủ tịch Hội đồng dân tộc) rất quan tâm. Đó là những ý kiến phản hồi của độc giả trên các bài viết ở báo điện tử. Điều này thể hiện vai trò của loại hình báo chí này ngày càng lớn, nên cần được quan tâm đúng mức hơn.
Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cũng nhận định, trong thời gian qua, loại hình báo điện tử phát triển mạnh mẽ với những đặc tính riêng như: khả năng tương tác cao, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian; cập nhật tin, bài đến từng phút… đòi hỏi phải có phương thức quản lý phù hợp. Vì vậy, Uỷ ban đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể về loại hình này.
Ngoài ra, theo thường trực uỷ ban Văn hoá Giáo dục, các trang tin điện tử tổng hợp có tính chất tương tự như báo điện tử, được Nghị định số 72 và Thông tư 09 của Bộ Thông tin truyền thông điều chỉnh, trong đó quy định hồ sơ đề nghị cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp phải có “văn bản chấp thuận của các tổ chức cung cấp nguồn tin để đảm bảo tính hợp pháp của nguồn tin”. Tuy nhiên, trên thực tế, ít có cơ quan báo chí nào cho phép một trang tin điện tử sao chép lại bài vở của họ, bởi đây là một cách gián tiếp giảm bớt lượng truy cập báo điện tử và số lượng phát hành báo in.

Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai. Ảnh: HT.
Do Luật không cho phép các trang tin điện tử tự sản xuất nội dung nên người làm các trang này sẽ tự ý sao chép, chỉnh sửa bài từ các báo điện tử. Tuy vậy, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí khó có thể ngăn chặn tình trạng này bởi số lượng các trang tin điện tử quá nhiều...
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son giải thích, do các trang tin không được coi là báo chí nên không đưa vào trong luật. Nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ Phan Xuân Dũng phản bác: "Bộ trưởng nói những trang mạng không phải báo chí nên không đưa vào Dự luật, như vậy cái gì khó là chúng ta không quản lý hay sao? Tôi cho rằng chúng ta cần bao trùm và tìm cách quản lý".
"Báo điện tử khác thông tin trên mạng xã hội như thế nào? Điều này phải giải thích rõ ràng trước Quốc hội. Thường vụ sẽ nghe ý kiến đại biểu một phiên nữa, để ban soạn thảo lắng nghe với tâm lý cầu thị nhất", Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho hay.
Dự thảo nghiêm cấm thông tin trên báo chí những nội dung sau:
- Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng quy định về những nội dung và hành vi bị cấm là hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nên cần phải quy định cụ thể, minh bạch ngay trong Luật theo quy định trong Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, hiện nay, một số báo đưa tin, bài, hình ảnh có nội dung không phù hợp với tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ em, nên thường trực uỷ ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung này vào quy định cấm. |
Hoàng Thuỳ