Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự kiến nâng tuổi nghỉ hưu để đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Lao động, trình Quốc hội năm 2017. Phương án tăng hay giữ nguyên tuổi nghỉ hưu tác động đến Quỹ BHXH và hưu trí ra sao? VnExpress trao đổi với ông Trần Đình Liệu, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam để làm rõ hơn vấn đề này.
Ông Trần Đình Liệu, Phó giám đốc BHXH Việt Nam. Ảnh: Hoàng Phương. |
- Một trong những lý do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là để cân đối Quỹ BHXH. Ông có bình luận gì về việc này?
- Từ năm 1995 đến nay, bảo hiểm xã hội thực hiện theo nguyên tắc "có đóng có hưởng", người trẻ, đang đi làm đóng tiền nuôi người về hưu. Thời điểm đưa ra chính sách trên, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam khoảng 67 tuổi, đóng BHXH khoảng 25 năm, bình quân tuổi nghỉ hưu là 54 (nam 60, nữ 55 tuổi), thời gian hưởng lương hưu khoảng 13 năm thì thấy hợp lý.
Hiện nay, tuổi thọ bình quân tăng lên 73, thời gian bình quân đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu giữ nguyên, thời gian hưởng lương hưu kéo dài khoảng 20 năm, tức là tăng thêm 7 năm thì không quỹ nào chịu nổi.
Chính sách tinh giản biên chế, cho nghỉ hưu trước tuổi cũng tác động đến quỹ BHXH rất lớn. Ví dụ có người nghỉ hưu từ 45 tuổi, nhưng thọ khoảng 70 tuổi, được hưởng lương hưu hơn 30, phải lấy của người này cho người kia hưởng.
Chưa kể, số người đóng BHXH cho một người hưởng ngày càng ít đi. Năm 1996 có 217 người đóng BHXH, có một người hưởng lương hưu; năm 2000, số người đóng giảm xuống còn 34, năm 2009 còn 11 người và hiện nay cứ 9 người đóng BHXH thì có một người hưởng lương hưu, đó đều là những nguyên nhân khiến cho quỹ hưu trí mất cân đối.
Quốc gia nào cũng phải xây dựng cân đối quỹ BHXH hợp lý giữa thời gian đóng BHXH và thời gian hưởng lương hưu; mức đóng BHXH và mức hưởng lương hưu. Khi GDP tăng, mức sống và tuổi thọ của người lao động tăng thì phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
- Nếu duy trì cách đóng - hưởng và giữ nguyên tuổi nghỉ hưu thì cán cân quỹ BHXH sẽ như thế nào trong thời gian tới?
- Duy trì cách đóng - hưởng như hiện nay thì đến năm 2020, mức thu bằng mức chi. Kết dư quỹ đang giảm dần, không nâng tuổi nghỉ hưu thì đến năm 2037, mức thu bao gồm cả kết dư quỹ sẽ bằng mức chi, phải lấy ngân sách bù vào.
Ở một số nước Đông Nam Á, như Thái Lan chẳng hạn, mức hưởng lương hưu tối đa của họ chỉ khoảng 60% mức đóng BHXH. Theo chúng tôi tính toán, đúng ra với mức đóng và tỷ lệ đóng như hiện nay thì mức hưởng lương hưu của người Việt Nam chỉ khoảng 55 - 60%, nhưng người lao động đang được hưởng tối đa 75%. Việc điều chỉnh mức hưởng của người lao động rất khó nên phải nâng tuổi nghỉ hưu lên.
- Vậy, cơ quan quản lý Quỹ BHXH đã tính đến những phương pháp nào để cân đối?
- Có ba cách là tăng mức đóng BHXH, giảm mức hưởng lương hưu xuống; tăng số năm đóng BHXH; kéo dài tuổi nghỉ hưu. Cách đầu tiên khó áp dụng, nếu giảm mức hưởng thì người lao động khó chấp nhận.
Cách tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý, nhưng điều chỉnh ra sao thì Bộ Lao động sẽ tính kỹ lộ trình, tăng với từng nhóm lao động cụ thể chứ không nâng đồng loạt. Xây dựng chính sách không phải cho riêng thế hệ bây giờ mà còn cho con cháu hưởng. Tất nhiên, chính sách cho người về hưu trước tuổi, lao động nặng nhọc, lực lượng vũ trang vẫn sẽ song hành, để người lao động có quyền lựa chọn cách hưởng lương hưu.
Ngoài nguyên tắc có đóng có hưởng, một số nước áp dụng mô hình tài khoản lương hưu cá nhân, đóng bao nhiêu thì sau này hưởng bấy nhiêu, nếu hưởng không hết thì được lấy ra. Việt Nam khó áp dụng bởi hạn chế là khi người lao động hưởng hết số tiền trong tài khoản, nhà nước buộc phải có trợ cấp xã hội, nhiều nước phát triển cũng không đi theo mô hình này.
- Theo như ông lý giải, tăng tuổi hưu để hài hòa lợi ích nhiều phía. Vậy vì sao nhiều người lao động không đồng ý tăng?
- Người lao động kéo dài tuổi nghỉ hưu thì thời gian làm việc lâu hơn, thu nhập sẽ cao hơn. Nếu về hưu sớm hoặc nghỉ hưu trước tuổi thì mất nhiều quyền lợi. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang đóng BHXH cho người lao động dựa trên lương tối thiểu vùng (khoảng 3,7 triệu), khác xa so với thu nhập thực tế. Vậy nên, mức hưởng lương hưu tối đa 75% của mức đóng trên cũng không cao, người lao động bị thiệt thòi nhiều. Cũng không thể nói là người lao động phản ứng, không đồng tình tăng tuổi hưu bởi chưa có khảo sát nào cả.
Hiện, có nhiều người nghỉ hưu sớm quay lại kí hợp đồng với doanh nghiệp từng làm việc, hưởng thu nhập mà không đóng BHXH. Tới đây, chúng tôi sẽ kiến nghị đối với những trường hợp quay lại thị trường lao động vẫn phải tiếp tục đóng BHXH. Bởi người đó vừa được hưởng thu nhập, vừa được hưởng lương hưu lẫn các khoản trợ cấp khác do người sử dụng lao động trả mà không phải đóng BHXH là không công bằng với những đối tượng khác.
- Có ý kiến cho rằng bộ máy vận hành Quỹ BHXH rất cồng kềnh và việc quản lý chưa minh bạch. Ông nghĩ sao?
- Hàng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều họp báo công khai các số liệu thu, chi các quỹ BHXH chứ không giấu giếm, thiếu minh bạch. Chính phủ cũng phải báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách và việc sử dụng quỹ như thế nào. Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán định kỳ 3 năm một lần.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang triển khai trả sổ BHXH từ doanh nghiệp quản lý sang cho người lao động giữ. Người lao động sẽ biết được tiền đóng BHXH là bao nhiêu, có nộp quỹ hay không.
Mỗi cán bộ ngành BHXH Việt Nam đang quản lý thu chi quỹ cho khoảng 4.000 người, trong khi thế giới khoảng 1.000 người. Bảo hiểm xã hội Việt nam là tổ chức an sinh xã hội dùng ít lao động nhất, khoảng 20.000 người phục vụ 73 triệu dân tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Họ làm việc khoảng 12 tiếng/ ngày và hưởng lương bình quân 6 triệu đồng/tháng.
Hoàng Phương
Xem thêm:
>> Người về hưu được hưởng lương như thế nào
>> Lao động bị trừ những khoản nào trong lương
>> Thay đổi quan trọng trong chế độ bảo hiểm xã hội từ năm 2016