Trao đổi với VnExpress.net, Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM - cho biết, ngân sách và kỷ luật trong chi tiêu sẽ là một trong những chủ đề chính tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII sắp khai mạc ngày 21/10.
- Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu, ông cho rằng thu ngân sách không đạt dự toán là “một vấn đề mới xuất hiện của năm 2013 và có nguy cơ gây bất ổn kinh tế”. Vậy theo ông, ngân sách đang khó khăn đến đâu?
- Năm 2013 có hai vấn đề ảnh hưởng đến ngân sách. Một là tình trạng nhiều doanh nghiệp làm ăn không có lãi. Như địa bàn TP HCM, đến quý III mà chỉ có 30% doanh nghiệp có lãi để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Nguyên nhân thứ hai là việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm và hoãn nhiều loại thuế tại kỳ họp thứ 5 vừa rồi cũng khiến ngân sách vơi đi.
Bên cạnh đó, cũng có một vấn đề mới xuất hiện. Giai đoạn trước, ngân sách Việt Nam có đặc điểm là luôn thu vượt kế hoạch, thậm chí có năm vượt 15%. Theo Luật Ngân sách Nhà nước, khoản tăng thu sẽ được dùng để chi tiếp cho đầu tư và vì thế, chi ngân sách của chúng ta luôn vượt dự toán rất nhiều. Năm nay thì ngược lại, có khả năng các khoản chi không đáp ứng vì hụt thu ngân sách lớn.
- Vấn đề liên quan tới túi tiền quốc gia này sẽ được giải quyết như thế nào tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII sắp khai mạc?
- Tôi tin rằng kỳ họp này Quốc hội sẽ bàn rất kỹ câu chuyện về kỷ cương, kỷ luật ngân sách để giải quyết căn bản, không xảy ra tình trạng như hiện nay. Ngoài thâm hụt ngân sách, tình trạng tồn đọng nợ xây dựng cơ bản với con số hàng chục nghìn tỷ đồng cũng là một vấn đề. Khoản nợ này gây ra hậu quả dây chuyền, ngân sách nợ doanh nghiệp khiến họ không trả được nợ cho ngân hàng. Ngược lại, ngân hàng không thể cho doanh nghiệp vay vì nợ xấu và doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì hoạt động... Đây là một vòng luẩn quẩn và cần xử lý.
- Tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án nâng trần bội chi để ngân sách có thêm tiền cho tăng đầu tư phát triển, đặc biệt trong bối cảnh không thể thắt chặt được các khoản chi thường xuyên. Theo ông, nếu thông qua phương án trên, Quốc hội nên đưa ra điều kiện gì với Chính phủ?
- Tăng bội chi nhưng vẫn phải gắn liền với mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu Đầu tư công theo Nghị quyết Trung ương 3. Trong đề án này có những nguyên tắc mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực thi. Ví dụ như phải cắt bỏ toàn bộ việc đầu tư dàn trải. Khoản đầu tư nào nếu xác định phải đầu tư thêm thì mới phát huy tác dụng sẽ cho làm tiếp. Cái này giống như đã xây cầu nhưng thiếu đường đi, làm hồ chứa nước rồi nhưng thiếu kênh mương. Hay những khoản đầu tư thiết yếu không thể không có như mở rộng Quốc lộ 1A, khắc phục tình trạng hư hỏng quá nặng của Quốc lộ 14 thì có thể tăng trái phiếu Chính phủ nhất thời để xử lý.
Thứ hai, Chính phủ cần cân nhắc nguyên tắc của kinh tế là chi phí cơ hội. Một đồng tiền, làm gì trước mà có lợi thì nên làm chứ không phải vì đã duyệt dự án rồi, dù không có hiệu quả ngay mình vẫn cố làm.
- Năm nay ngân sách coi như đã cầm chắc khả năng hụt thu, vậy ông dự báo tình hình ngân sách các năm tiếp theo còn khó khăn đến mức nào?
- Chắc chắn ngân sách sẽ còn khó khăn hơn nhiều trong một, hai năm tới khi mà doanh nghiệp, nền kinh tế chưa phục hồi mạnh và một loạt chính sách miễn, giảm thuế vẫn còn kéo dài. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta phải hướng tới thay đổi cách phân bố ngân sách chứ không thể làm mãi như hiện nay.
- Hiện còn khoảng 70 quỹ tài chính ngoài ngân sách đang hoạt động và tồn dư quỹ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Ông nghĩ sao về gợi ý nên huy động tiền từ nguồn này để "cứu" ngân sách?
- Đúng là còn rất nhiều quỹ tài chính đang tồn tại nhưng tôi nghĩ thực sự chúng đều có mục tiêu hoạt động cả. Tôi tin lần này Quốc hội sẽ yêu cầu minh bạch các quỹ trên để rà soát lại. Bên cạnh đó, cần tính toán là hiện vẫn còn một số nguồn lực tốt mà Nhà nước chưa huy động đến. Ví dụ như việc thoái vốn ngoài ngành mà Nhà nước không cần đầu tư vào, dùng số tiền này để chi cho đầu tư công, xây bệnh viện chẳng hạn...
- Lộ trình thoái vốn Nhà nước có khó khăn gì khi thị trường chứng khoán đang đi xuống, thưa ông?
- Tôi cho rằng không hề khó thoái vốn, ai nói khó là vì họ không muốn làm. Đương nhiên, mọi chuyện chỉ khó khăn với doanh nghiệp thua lỗ thôi, chẳng ai thích cả. Còn trên sàn chứng khoán, người ta vẫn sẵn sàng mua những anh đang hoạt động có lời. Với những doanh nghiệp đang kinh doanh hiệu quả, rất nhiều đối tác chiến lược sẵn sàng mua và chúng ta có thể thu được ngay tiền cho ngân sách từ việc này.
Thanh Thanh Lan