Bàn về dự luật Tổ chức Quốc hội sáng 14/1, đại diện ban soạn thảo nêu đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 35% (khoảng 175 trong tổng số 500 đại biểu). Tuy nhiên, một số ý kiến còn đề nghị nâng tỷ lệ này lên cao hơn.
"Theo tôi, tỷ lệ này ít nhất phải ở mức 40%. Đây mới là lực lượng quyết định hoạt động của các ủy ban", Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng nói.
Theo thống kê, Quốc hội khóa XI có 121 đại biểu chuyên trách (chiếm gần 25%), Quốc hội khóa XII và XIII lần lượt có 145 và 150 đại biểu chuyên trách (tương đương 29% và 30%).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, qua các nhiệm kỳ, cơ cấu đại biểu Quốc hội ngày càng hợp lý hơn, số đại biểu chuyên trách tăng thêm đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, thành viên Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội chủ yếu là đại biểu kiêm nhiệm nên phải phân bổ quỹ thời gian để giải quyết nhiều nhiệm vụ, áp lực công việc lớn dẫn đến khó nâng cao chất lượng hoạt động.
Bên cạnh đề nghị về tăng số lượng, cơ quan soạn thảo dự luật đưa ra các quy định cụ thể hơn về việc đảm bảo điều kiện làm việc với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Dự luật cũng đưa ra các quy định nhằm đề cao vai trò của đại biểu Quốc hội và xác định Đoàn đại biểu Quốc hội là hình thức tổ chức hoạt động của các đại biểu Quốc hội tại địa phương chứ không phải là cơ quan của Quốc hội.
Ngoài ra, ban soạn thảo còn đề nghị nâng Ban Dân nguyên, Ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) thành các ủy ban, cơ quan trực thuộc Quốc hội.
Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội sẽ được lấy ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 vào giữa năm 2014.
Nguyễn Hưng