Ngày 8/1, Văn phòng Quốc hội cho biết, chiều tối 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội với bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu khóa XIII thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Nghị quyết được ban hành căn cứ vào Điều 58 Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi năm 2007) và đề nghị của Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề nghị của Viện kiểm sát về việc truy cứu trách nhiệm hình sự với bà Nga vì có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự.
Cùng thời điểm, bà bị đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TP Hà Nội.
Một đại biểu Quốc hội thuộc đoàn TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2014, Văn phòng đoàn nhận được nhiều đơn thư tố cáo về tư cách bà Châu Thị Thu Nga và đã chuyển đến Ban Công tác đại biểu, cơ quan điều tra của Bộ Công an theo thẩm quyền. Đoàn Hà Nội chỉ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ các đại biểu thực hiện hoạt động đại biểu dân cử. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII vừa qua, bà Nga xin vắng mặt suốt thời gian đầu và chỉ tham gia một số phiên họp cuối với lý do chữa bệnh.
Tối 7/1, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, tạm giam bà Nga (50 tuổi) để điều tra tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khi triển khai dự án nhà chung cư - biệt thự B5 Cầu Diễn. Là đại diện của Housing Group, bà bị nhiều người tố cáo đã nhận tiền mua nhà của khách hàng từ năm 2009, cam kết hoàn thành dự án vào 2015 nhưng hiện khu chung cư chỉ nằm "trên giấy". Lô đất vẫn bỏ hoang.
Trước khi bị bắt, bà Thu Nga là Phó trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch bất động sản VN khu vực miền Bắc - Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản - Bộ Xây dựng; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group); Ủy viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; đại biểu Quốc hội khoá XIII; đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016.
Đây là lần thứ ba, Quốc hội đình chỉ đại biểu vì vướng lao lý. Tháng 11/2005, ông Lê Minh Hoàng, nguyên giám đốc Công ty điện lực TP HCM bị đình chỉ vì đã ký hợp đồng mua và cho sử dụng 312.000 điện kế điện tử giả. Ông Hoàng sau đó bị phạt 4 năm tù về tội Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cuối năm 2006, trong một phiên họp, 83% đại biểu Quốc hội đồng ý bãi nhiệm ông Mạc Kim Tôn do ông này có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Ông Tôn sau đó bị phạt 7 năm tù, kết tội trong thời gian làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình đã giúp Trần Thị Ánh thực hiện "dự án ma", lừa mua hàng trăm máy tính và thiết bị của 5 công ty, chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng.
Điều 58 Luật Tổ chức QH 2001 (sửa đổi năm 2007) quy định: Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ thì không được bắt giam, truy tố đại biểu và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ, thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội xét và quyết định. Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó. Đại biểu Quốc hội bị Toà án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật. Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, đơn vị nơi đại biểu làm việc cách chức, buộc thôi việc, nếu không được Uỷ ban thường vụ Quốc hội đồng ý. |
Hoàng Thùy