Chiều 22/4, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về một số dự án đã được cơ quan có thẩm quyền giao.
Cụ thể, Ban Bí thư đã yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội sửa đổi Luật thi đua khen thưởng. Thường vụ giao Chính phủ trình ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định về cán bộ, công chức, viên chức, từ đó tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khỏi bộ máy nhà nước.
Theo ông Định, tại kỳ họp thứ hai, sau khi cho ý kiến dự án Luật về hội, Quốc hội đã giao Chính phủ chuẩn bị lại dự án này. Cùng với đó, Quốc hội cũng giao Chính phủ chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, Luật biểu tình để trình Thường vụ xem xét, quyết định đưa vào chương trình.
Tuy nhiên, các nội dung trên chưa được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh chương trình năm 2017. Do đó, Thường vụ đề nghị Chính phủ báo cáo rõ thời gian qua đã thực hiện các yêu cầu trên như thế nào, nguyên nhân và trách nhiệm trong việc chưa trình được các dự án; thời hạn trình sẽ vào lúc nào.
Lý giải vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự án Luật biểu tình do Bộ Công an chủ trì soạn thảo nằm trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015 và năm 2016, hiện đã đến giai đoạn chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định. Tuy nhiên, nội dung luật chưa đạt yêu cầu nên rút lại.
"Về sửa đổi Luật cán bộ, công chức cũng như xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu tổng kết xem đưa vào nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật cán bộ, công chức hay xây dựng thành văn bản riêng. Bộ Nội vụ đang nghiên cứu và Chính phủ sẽ có đề xuất sau", Bộ trưởng Long nói.
Việc sửa đổi Luật thi đua, khen thưởng, Bộ trưởng Tư pháp thông tin, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu và thời gian dự kiến tổng kết là năm 2017.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định, việc đưa dự án luật này vào, rút dự án luật kia ra là tình trạng chung chứ không phải cá biệt. Vì vậy, cần kiên quyết bác những dự án luật không bảo đảm chất lượng. "Gần đây tính ổn định của hệ thống pháp luật có vấn đề. Tới đây thông qua Luật Quy hoạch (sửa đổi) thì phải sửa 32 luật khác có liên quan, nhưng không biết khi sửa 32 luật này có phải quay trở lại sửa luật quy hoạch không", bà Nga trăn trở.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhắc lại việc làm luật cần thận trọng, tránh như Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội vừa ban hành, chưa có hiệu lực đã phải sửa.