Chiều 21/6, tại cuộc họp báo về kết quả kỳ họp thứ 3, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết "một khối lượng lớn dự án luật đã được xem xét, ban hành trong thời gian rất ngắn". Cụ thể, gần một tháng làm việc vừa qua, Quốc hội đã thông qua 12 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến vào 6 dự luật.
Theo ông Phúc, sinh hoạt nghị trường đã từng bước chuyển từ Quốc hội tham luận (đọc bài phát biểu chuẩn bị sẵn) sang tranh luận. Rất nhiều đại biểu đã sử dụng quyền tranh luận trong các phiên làm việc, không chỉ tranh luận với thành viên Chính phủ mà còn tranh luận với các đại biểu khác về những vấn đề liên quan.
Ông Phúc cũng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu, Chủ toạ đã quyết định kéo dài thời gian làm việc phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội (ngày 9/6) đến 18h30 thay vì 17h như thường lệ, qua đó có thêm 15 đại biểu được nêu ý kiến trực tiếp trên hộ trường. "Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội, có 93 đại biểu đăng ký phát biểu tại một phiên họp", ông Phúc nói.
Ngoài ra, thời gian cho hoạt động chất vấn cũng được tăng từ 2,5 ngày lên 3 ngày; có 196 đại biểu đã nêu được câu hỏi chất vấn. "Những thay đổi này sẽ tiếp tục được phát huy ở kỳ họp sau", ông Phúc cho hay.
Giải thích việc trưa 21/6, Ủy ban Quốc phòng An ninh gửi văn bản tới các đại biểu Quốc hội xin phép đính chính lại khoản 2, Điều 21 của Luật Cảnh vệ khi Luật đã được thông qua ngày 20, ông Phúc cho biết đó chỉ là lỗi do "quá trình in ấn", và đây là "đính chính chứ không phải sai".
Trong hồ sơ dự án Luật Cảnh vệ trình Quốc hội thông qua, nội dung tại khoản 2, Điều 21 về Quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ là: “Gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả”. Ủy ban Quốc phòng An ninh xin phép các vị đại biểu Quốc hội cho thay cụm từ “gây thương tích cho đối tượng” bằng “Nổ súng vào đối tượng”.
Theo đó, khoản 2, Điều 21 được sửa lại như sau: “Nổ súng vào đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả”.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Phó tổng thư ký Quốc hội cho biết thêm, tờ đính chính của Uỷ ban Quốc phòng An ninh đã được kẹp vào hồ sơ dự án Luật trước khi đại biểu ấn nút thông qua, vì vậy hoàn toàn không ảnh hưởng đến nội dung Luật được thông qua.