Chiều 9/4, Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương. Tiếp thu ý kiến đóng góp từ kỳ họp trước, dự thảo mới bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trong đó xác định tính chất, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể và quy định có tính nguyên tắc về tổ chức chính quyền địa phương tại đây.
Cụ thể, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (còn gọi là đặc khu) do Quốc hội quyết định thành lập, được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt về kinh tế - xã hội, có chính quyền địa phương được tổ chức riêng để phù hợp đặc điểm và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có thể được chia thành các đơn vị hành chính trực thuộc.
Theo dự thảo, chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Trường hợp đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tổ chức các đơn vị hành chính trực thuộc thì tại các đơn vị này chỉ tổ chức cơ quan hành chính để quản lý cư dân và thực hiện nhiệm vụ của chính quyền tại địa phương. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, thành viên Ủy ban nhân dân, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể do Quốc hội quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị cân nhắc kỹ cơ chế quản lý chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Bởi vì có khu ra đời trước, khu ra đời sau, khu ra đời sau sẽ khắc phục được những hạn chế, vì vậy thu hút được nhà đầu tư hơn. Như vậy là không thuận.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết sẽ không có một luật chung cho mọi đặc khu, mà đặc khu nào thì sẽ có luật ấy bởi vì đặc điểm miền núi khác, miền biển khác, chính sách không thể giống nhau. Chỉ có quy định chung là đặc khu do Quốc hội thành lập với chức năng, nhiệm vụ tương đồng, nhưng cơ chế thì phải riêng cho từng đặc khu.
"Vì vậy không lo là sẽ có khung cứng, không lo những đặc khu sau sẽ có ưu thế hơn. Khi nào có đủ điều kiện, cần lập đặc khu thì phải làm luật riêng", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến. Ủy ban Pháp luật đề nghị 2 phương án tổ chức cấp chính quyền địa phương. Thứ nhất là tất cả đơn vị hành chính đều tổ chức chính quyền gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Phương án 2 là ở cấp phường, do đặc điểm đô thị sẽ không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức Ủy ban nhân dân.
Hiện tại, đa số ý kiến tán thành phương án 1 và dự thảo Luật cũng đang được thể hiện theo hướng này.
Hoàng Thuỳ