Theo UBND TP Cẩm Phả, việc thay thế cây xanh nhằm chỉnh trang đô thị để Cẩm Phả xứng tầm là đô thị loại 2 và đảm bảo an toàn cho người dân trước mùa mưa bão.
Theo đó các cây được chọn để trồng trên các tuyến phố Bà Triệu, Trần Phú, Thanh Niên… là sưa trắng, sấu, sao đen, điệp vàng, phượng đỏ và long não. Chi phí trồng mới tùy loại cây như sưa trắng khoảng 6 triệu đồng/cây, sấu khoảng 700-800.000/cây với khoảng cách từ 8 đến 10 m/cây. Nguồn vốn hơn 10 tỷ đồng lầy từ ngân sách và xã hội hóa.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc chặt bỏ hàng nghìn cây khi mùa hè đến khiến các hộ dân sinh sống và kinh doanh ở mặt đường sẽ phải chịu cảnh nắng nóng, bụi bặm, không khí ngột ngạt…
Ông Vũ Văn Nam, một người dân sống trên đường Trần Phú cho hay, hầu hết những cây bị đốn chặt đều có hàng chục năm tuổi, tán lớn, tỏa bóng râm mát. "Các cây xanh có tác dụng chắn bụi tạo không khí trong lành. Nếu bị chặt hết, đường phố sẽ trơ trụi. Trong khi Thành phố Cẩm Phả bị ảnh hưởng lớn bởi bụi từ các mỏ khai thác than. Những cây trồng mới phải mất 3 đến 5 năm mới có tán rộng phủ bóng được", ông Nam lo lắng.
Ông Trần Xuân Trường, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án công trình thành phố Cẩm Phả cho biết, sau khi tổ chức lấy ý kiến đã thực hiện thí điểm tại đoạn từ trụ sở thành ủy đến rạp hát ngoài trời (thuộc đường Trần Phú) từ tháng 11/2015, giờ cây đã lên xanh và cũng được người dân đồng tình. Chủ trương của thành phố là chỉ thay thế một số cây có hình dáng không đẹp, thân có gai, cành dễ gãy, rụng lá về mùa thu, mùa đông, hoa có mùi khó chịu chứ không thay tất cả.
Trao đổi với Vnexpress, ông Phạm Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả cho biết, thành phố được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại 2 từ tháng 2/2015. Đô thị loại 2 phải đáp ứng đủ các tiêu chí như cây xanh, vỉa hè, lòng đường...
Trước đây, cây xanh trên các tuyến phố đủ chủng loại như hoa sữa, gạo gai, bằng lăng, bàng không được quy hoạch cụ thể. Cuối năm 2015, thành phố có chủ trương thay thế cây xanh trên 4 tuyến phố. Đây là dự án nằm trong 24 công trình được Chủ tịch tỉnh chấp thuận với chi phí hơn 10 tỷ đồng.
"Số gỗ của các cây bị chặt hạ đều không có giá trị kinh tế nên không bán được", ông Vinh nói.