Trưa 9/8, tại thành phố Yên Bái, nhiều người ghi nhận hiện tượng hiếm gặp khi mặt trời được bao bọc bởi hình tròn lớn nhiều màu sắc trong thời gian dài.
"Nó bắt đầu từ 11h đến gần 15h mới hết. Thấy lạ nên nhiều người dùng điện thoại chụp lại", anh Vũ Nam - một người dân địa phương cho hay.
Ông Nguyễn Đức Phường (nhà nghiên cứu thiên văn vũ trụ, ĐH Quốc gia Hà Nội) giải thích đây là hiện tượng thiên nhiên bình thường, gọi là quầng mặt trời. Nó xảy ra khi ánh sáng mặt trời xuyên qua đám mây ở độ cao cách mặt đất chừng 6-7 km.
"Tia sáng mặt trời bị khúc xạ và tán xạ bởi những tinh thể băng li ti cấu tạo nên đám mây và tạo nên quầng sáng hình tròn có màu sắc như cầu vồng, nhưng được phân bố theo thứ tự ngược lại", ông Phường nói.
Sự hiện của quầng mặt trời báo hiệu thời tiết tốt ở địa phương như nắng ráo, trời quang đãng.
Hiện tượng này từng xuất hiện ở nhiều nơi như Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu.