Cách trung tâm TP Hải Phòng 40 km, huyện Vĩnh Bảo rộng hơn 130 km2 và là trọng điểm trồng lúa. Một mặt huyện giáp biển, 3 mặt được bao bọc bởi 3 con sông Thái Bình, Luộc và sông Hóa. Đồng đất nơi đây quanh năm chịu ảnh hưởng rất lớn của thủy triều. Về mùa cạn, nước biển xâm nhập cả trên mặt và tầng sâu địa chất. Để ngăn dòng nước mặn, từ xa xưa công tác đào đắp đê điều trị thủy đã được các triều đại phong kiến quan tâm.
Theo sách Địa chí Hải Phòng, dưới thời nhà Lý, Thái úy Tô Hiến Thành đã được triều đình cử về chỉ đạo quan lại địa phương và dân làng đắp đê biển ngăn mặn, chống bão. Sau khi ông mất, người dân Vĩnh Bảo ghi công, phong ông là Thành Hoàng và đưa vào thờ tại đình làng Cổ Am.
Sau hàng trăm năm biến cố của lịch sử và biến đổi của thời tiết, nước biển ngày càng tấn công mạnh hơn, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp trở nên cấp bách, gần như phụ thuộc vào thời tiết. Mùa khô thì hạn, mùa mưa thì lụt lội.
Vốn sinh ra và lớn lên trên đồng đất ấy, chàng trai đất học Cổ Am Đào Trọng Kỳ (1839-1914) đã quá hiểu nỗi cơ hàn mà người dân nơi đây. Năm 1864 ông thi đỗ cử nhân và ra làm quan ở Huế dưới thời vua Tự Đức. Ghi nhận tài năng và sự cống hiến, vua Tự Đức phong ông nhiều phẩm tước cao quý như: Hàn lâm tu soạn, Cao Thụ Vinh Lộc Đại phu Hiệp tá đại học sĩ, Tướng công. Năm 1890 ông được triều đình cử về làm Tổng đốc Nam Định, rồi Tổng đốc Sơn Tây, phụ trách nhiều tỉnh phía Bắc.
Cả đời làm quan hành tẩu khắp nơi, giúp nước, giúp dân nhưng ông luôn đau đáu vì chưa chưa thực hiện được tâm nguyện của mình là đào sông dẫn, chứa nước ngọt và tiêu thoát nước chống ngập úng. Năm 1900, khi 61 tuổi, được nghỉ hưu, trở về quê việc đầu tiên ông làm là tự khảo cứu địa hình, thiết kế công trình dẫn thủy nhập điền mang tên sông Chanh Dương dài hơn 23 km, rộng ngang tới 40 m, sâu 4 m, chạy từ đầu về cuối huyện.
Công trình được đào thẳng từ làng Chanh Chử (xã Thắng Thủy) chạy dọc qua các xã và thị trấn: Thắng Thủy, Vĩnh Long, Liên Am, Tam Cường, Hòa Bình, Trấn Dương, sau đó thông ra biển qua hệ thống cống. Nước sông Hồng đổ về sông Luộc, sau đó được dẫn vào sông Chanh Dương qua hệ thống cống dưới đê, rồi theo hệ thống mương, máng được thiết kế theo kiểu xương cá 2 bên sông, chảy vào các cánh đồng.
Phương án đào sông của quan Tổng đốc Đào Trọng Kỳ khi đó được quan lại địa phương chấp thuận và nhân dân đồng lòng hưởng ứng. Người người góp công, góp sức, thậm chí hiến ruộng. Riêng ông Kỳ có bao nhiêu tiền bạc tiết kiệm được trong mấy chục năm làm quan cũng như ruộng vườn là bổng lộc của nhà vua ban tặng đều dồn hết vào việc kiến tạo con sông.
Trong quá trình đào sông, có lúc công trình bị ách tắc do vướng vào ruộng của một số gia đình quyền thế. Thương lượng mọi cách không thành, ông Kỳ dùng tới hạ sách, soạn một công lệnh "Lệnh Cụ Thượng" (giả lệnh quan triều đình), rồi cho người đánh tiếng tới các gia đình đang gây khó dễ, ảnh hưởng tới tiến độ đào đắp. Nghe thấy thế, họ sợ bị triều đình xử phạt nên chấp thuận đổi ruộng, có gia đình hiến luôn.
Sau 4 năm đào đắp, công trình dẫn thủy nhập điền quan trọng bậc nhất huyện Vĩnh Bảo đã hoàn thành.
Năm 1938, ông Vũ Văn Nhạc nhận chức quan tri huyện Vĩnh Bảo thấy tác dụng to lớn của con sông Chanh Dương cũng như tài thiết kế của tướng công Đào Trọng Kỳ đã họp bàn với các nhà chức trách đứng ra xây dựng bia tưởng niệm tri ân cụ. Văn bia được tuyển chọn nghiêm túc thông qua cuộc thi sáng tác.
2 năm sau, nhà bia được xây dựng trang trọng, có mái che trên một nền tam cấp, dựng ngay ở trung tâm phố huyện, điểm giao của đường 17 và đường 10 bây giờ. Một mặt bia khắc 4 chữ "Ẩm thủy tư nguyên" (Uống nước nhớ nguồn) và ghi niên hiệu Bảo Đại. Mặt sau của bia khắc bài thơ bằng chữ Hán Nôm và chữ quốc ngữ. Nội dung bài thơ: Non sông Vĩnh Bảo/ Đất nước Lạc Hồng/ Ngàn năm công đức/ Cụ Đào tướng công/ Khi về tri sĩ/ Thương nghị đào sông/ Lợi dân ích nước/ Giúp việc nhà nông/ Nguồn vàng suối bạc/ Ơn đức vô cùng.
Cuộc cải cách ruộng đất sau đó đã phá hủy tất cả những gì liên quan đến công lao của tướng công Đào Trọng Kỳ, vì "liên quan đến triều đình phong kiến". Nhà bia bị phá, tấm bia ghi công đức được một người dân lấy về lát cầu ao, sau đó mang ra đình làng Đông Tạ để. Ngôi nhà gỗ 5 gian của quan Tổng đốc trở thành nơi làm việc của chính quyền lâm thời và là nơi để một số phần tử cơ hội đấu tố. Con cháu cụ Đào Trọng Kỳ phải dọn xuống gian nhà bếp ở.
Mỗi khi nhớ lại những năm 50-60 của thế kỷ trước, ông Đào Trọng Giao, nguyên là Chủ tịch huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), cháu nội 4 đời của cụ Đào Trọng Kỳ không khỏi xót xa. "Gia đình tôi theo cách mạng, người bị địch bắn chết, người bị thương. Một số kẻ xấu trong làng không quy kết được gì, quay ra tố cụ tôi làm quan dưới triều đình phong kiến. Bao nhiêu đồ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa ông cha, cụ kỵ để lại đều bị lấy đi hết", ông Giao nói.
Sau này anh em con cháu dòng họ Đào Trọng lớn lên, cố gắng học tập, giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền và đòi lại sự công bằng cho cụ Đào Trọng Kỳ. "Giờ ngôi nhà, nơi sinh ra cụ tôi, được con cháu giữ lại gần như nguyên vẹn làm nơi thờ tự. Tấm bia chính quyền huyện ghi công đức, tôi cũng đã xin lại, chuyển về dựng tại khuôn viên sân vườn", ông Giao kể.
Ông Đặng Văn Chúc, Phó chủ tịch huyện Vĩnh Bảo đánh giá, sông Chanh Dương gắn liền với công lao to lớn của cụ Đào Trọng Kỳ, người con của đất Cổ Am. Sau hơn trăm năm làm nhiệm vụ tưới tiêu, chống úng, cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt, đến nay sông vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Trước sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa, sông Chanh Dương càng có ý nghĩa về mặt môi trường sinh thái. TP Hải Phòng và huyện Vĩnh Bảo đang lên phương án mở con đường mới chạy dọc bên kia bờ sông, song song với huyện lộ 37 và kè sông.