![quan-1-hua-xu-ly-can-bo-neu-ep-nguoi-dan-khu-ma-lang](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/07/14/doan-ngoc-hai-3376-1500032979.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Px44U82YEpv0Fw3SHrntEw)
Ông Đoàn Ngọc Hải tại buổi đối thoại. Ảnh: Duy Trần.
Chiều 14/7, ông Đoàn Ngọc Hải – Phó chủ tịch UBND quận 1 (TP HCM) - lần thứ 2 đối thoại với người dân khu Mả Lạng (tứ giác Nguyễn Cư Trinh) về việc giải tỏa mặt bằng xây dựng khu căn hộ, trung tâm thương mại.
Ông Nguyễn Văn Điệp (cán bộ hưu trí, sống tại đây hơn 30 năm) cho biết, khu vực có hàng trăm nhà chỉ rộng 5-6 m2, rất ọp ẹp. Người dân sẵn sàng di dời khi nhận được mức bồi thường hợp lý. "Nếu giá đền bù khoảng 50 triệu một m2 thì mỗi căn được không quá 300 triệu đồng. Như thế là quá ít, không đủ để mua nơi ở mới", ông Điệp nói.
Ông cũng dẫn chứng trường hợp chung cư Cô Giang vừa giải tỏa xong, người dân được chủ đầu tư ưu ái mức đền bù tốt. Số tiền đó đủ cho họ mua được nhà khang trang ở vùng ven. "Chúng tôi muốn được như vậy. Nhà đầu tư cần có chính sách hỗ trợ thêm", ông Điệp nêu quan điểm.
Tương tự, ông Đặng Vũ Minh Mẫn nói sẵn sàng di dời nhưng phải có đơn giá sớm, hợp lý, đủ mua nhà mới. "Chủ đầu tư nên xem xét thưởng ai đi trước, vừa khuyến khích vừa để người dân có đủ tiền dời đi", ông nói.
Bà Phan Thị Bắc (chủ tiệm vàng bị ảnh hưởng bởi dự án) bày tỏ băn khoăn về giá đền bù căn nhà mặt tiền của mình. "Theo giá thị trường nhà của tôi 15-20 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư dự án chỉ có thể đền bù 10 tỷ, như vậy là không được", bà cho biết.
![quan-1-hua-xu-ly-can-bo-neu-ep-nguoi-dan-khu-ma-lang-1](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/07/14/nha-o-chuot-9732-1500032979.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HlfLFy0a0suGO7kg_gRXDg)
Một trong những căn nhà tại khu Mả Lạng. Ảnh: Duy Trần.
Thay mặt UBND quận 1, ông Đoàn Ngọc Hải khẳng định: "Không thể có chuyện này xảy ra ở quận 1, nhất là trong lĩnh vực do tôi phụ trách. Chính quyền sẽ đứng về phía cô bác, anh chị giải quyết các vướng mắc. Mức giá đền bù sẽ theo thị trường, được UBND thành phố phê duyệt, tất cả đều minh bạch".
Những điều này được Phó chủ tịch quận 1 dẫn chứng từ kinh nghiệm giải tỏa các chung cư cũ trên địa bàn như Cô Giang, 1bis Trần Hưng Đạo, thương xá Tax...
"Sắp tới tôi sẽ xuống tận nhà người dân tiếp nhận các ý kiến, cùng nhà đầu tư giải quyết thấu đáo, nhất là với các hộ gia đình chính sách", ông Hải nói và cho biết sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện cán bộ làm dự án chậm trễ, móc ngoặc với nhà đầu tư "ép" dân, hoặc ngược lại.
Bà Trần Thị Mỹ Dung - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bitexco (chủ đầu tư) – cho hay đã vào khu vực rất nhiều lần, biết cuộc sống cực khổ của người dân. Có đến hơn 530 căn dưới 20 m2 nên chủ đầu tư sẽ có chính sách hỗ trợ.
"Chúng tôi rất muốn làm nhanh để vòng tiền quay vòng, nhưng vướng nhiều lý do khách quan nên phải kéo dài như vậy", bà nói.
![quan-1-hua-xu-ly-can-bo-neu-ep-nguoi-dan-khu-ma-lang-2](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/07/14/can-nha-1m3-1992-1500032979.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dH3F4gJo0u86LiJ1Z2RNzg)
Căn nhà có chiều rộng 1,3 m. Ảnh: Duy Trần.
Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh có diện tích đất thu hồi hơn 6,8 ha, giới hạn bởi 4 tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Đình Xu – Nguyễn Cư Trinh – Cống Quỳnh. Theo thống kê, tổng số nhà giải tỏa là 1.424 căn.
Khu đất này được lập dự án năm 2000, giao Tổng công ty địa ốc Sài Gòn thực hiện. Đến năm 2006, dự án được chuyển cho tập đoàn Bitexco xây dựng cao ốc Văn phòng - Trung tâm thương mại – Căn hộ kết hợp chỉnh trang đô thị. Dự kiến việc di dời, tái định cư bắt đầu từ tháng 6/2018.
Tứ giác Nguyễn Cư Trinh nổi tiếng với cái tên khu Mả Lạng – "đất dữ" Sài Gòn xưa. Đây vốn là khu nghĩa địa, người dân xây nhà sống xen kẽ nhau. Sau này mồ mả được di dời nhưng khu vực vẫn là điểm "nóng" của tệ nạn ma túy; là chỗ trú chân của giang hồ, người nghèo khổ.
Duy Trần