Sáng 16/4, tại Hà Nội, UBND tỉnh Phú Thọ họp báo công bố các hoạt động trong giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm Ất Mùi 2015. Lễ hội sẽ diễn ra trong 6 ngày, từ 23 đến hết 28/5 (tức mùng 5 đến hết mùng 10/3 âm lịch). Các hoạt động được tổ chức tập trung tại khu di tích lịch sử đền Hùng, thành phố Việt Trì và các di tích thờ Hùng Vương, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên toàn tỉnh Phú Thọ. Lễ giỗ tổ do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì với sự tham gia của 5 tỉnh: Sơn La, Phú Yên, Đăk Nông, Tiền Giang và Bạc Liêu.
Giỗ tổ Hùng Vương năm nay vẫn diễn ra các nghi thức truyền thống như: dâng hương tưởng niệm các vua Hùng; lễ giỗ đức quốc tổ Lạc Long Quân; lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; rước kiệu về đền Hùng… Năm nay tỉnh không quy định chọn làng rước kiệu về đền mà trên tinh thần tự nguyện.
"Chúng tôi cũng không tổ chức tập trung vào một thời điểm để các xã cùng rước kiệu mà để các xã tự chọn thời gian trong hai ngày mùng 7-8/3 âm lịch. Mỗi làng có một Thành hoàng riêng và người dân có quyền được thực hành tín ngưỡng một cách tự nguyện. Tỉnh sẽ hỗ trợ an ninh trong lễ rước kiệu cho các xã", ông Hà Kế San, Phó chủ tịch tỉnh Phú Thọ nói.
Phần hội của quốc lễ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội đền Hùng với chủ đề "Âm vang nguồn cội đất Tổ Hùng Vương" được tổ chức vào 20h ngày 25/4 tại quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì. Cũng tại đây, ngay sau đêm nghệ thuật là màn bắn pháo hoa tầm cao.
Lễ phát hành bộ tem "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" và "Hát xoan Phú Thọ", triển lãm ảnh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - hành trình trở thành Di sản thế giới", hội thi gói bánh chưng, giã bánh giày, đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân… sẽ được tổ chức làm phong phú hoạt động của lễ hội.
Đặc biệt, nhằm tiến tới năm 2015 đề nghị UNESCO đưa hát xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức nhiều hoạt động quảng bá như: Liên hoan hát xoan cho thanh thiếu niên trên địa bàn, trình diễn hát xoan cộng đồng và hát xoan của các nghệ nhân kế cận thuộc các làng xoan gốc…
"Các hoạt động liên quan đến hát xoan sẽ được tổ chức đậm nét và đặc sắc hơn, để khẳng định nỗ lực của tỉnh Phú Thọ trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá trên quê hương đất Tổ, để năm 2015 chúng ta có thể đề nghị UNESCO đưa hát xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại", Phó chủ tịch Hà Kế San nhấn mạnh.
Giỗ tổ Hùng Vương năm nay diễn ra đúng vào dịp người dân cả nước nghỉ lễ 30/4 nên tỉnh Phú Thọ dự kiến sẽ có khoảng 6-7 triệu khách tới tham dự. "Lượng du khách đổ về quá đông sẽ là khó khăn lớn trong khâu tổ chức. Tỉnh Phú Thọ quyết tâm không để xuất hiện tình trạng ăn xin, ăn mày hành khất, xử lý nghiêm tình trạng chèo kéo, chặt chém tăng giá, hạn chế tối đa tai nạn có thể xảy ra, phân luồng giao thông và làm các bảng chỉ dẫn để người dân đi lại dễ dàng trong khuôn viên lễ hội", ông Hà Kế San nhấn mạnh.
Theo ông San, đến nay các công trình tại đền Hùng đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng phục vụ mùa lễ hội. Những hàng quán trước đây nằm lộn xộn, che chắn di tích đã được sắp xếp lại hợp lý, mở rộng không gian tham quan cho du khách. Tỉnh cũng yêu cầu các hãng taxi ký cam kết không tăng giá, khuyến khích các nhà hàng, khách sạn giữ giá trong dịp lễ hội đền Hùng, trường hợp đặc biệt tăng không quá 3%.
Quỳnh Trang