Năm học 2003-2004, chị Hằng mua bảo hiểm y tế cho con hết 60.000 đồng nhưng chưa từng sử dụng đến, dù con chị hay đau yếu. Theo lời chị, cán bộ làm công tác này tại trường con chị học vốn là một giáo vụ, chỉ được học cấp tốc về chuyên môn. Còn ở các trung tâm y tế trên địa bàn thì chủ yếu là y sĩ, phương tiện khám bệnh sơ sài, thuốc men cũng hạn chế.
"Con tôi sổ mũi, nóng người là cả nhà nóng theo rồi. Làm sao tôi tin tưởng vào đội ngũ cán bộ và điều kiện khám chữa bệnh như thế", chị Hằng tâm sự.
Theo Sở Giáo dục TP HCM, hiện trạng thiếu cán bộ chuyên môn, chuyên trách và thiếu cơ sở vật chất phục vụ y tế học đường, như chị Hằng nêu trên khá phổ biến tại địa bàn. Đó là một nguyên nhân khiến năm học vừa qua, số lượng học sinh - sinh viên tham gia đóng bảo hiểm giảm gần 20% so với năm học trước. Cụ thể, ở trên 1.200 trường của thành phố chỉ có gần 600.000 em (đạt tỷ lệ 49%).
Ngoài ra, cán bộ phụ trách bảo hiểm học sinh của Sở, cho biết, từ khi bảo hiểm y tế sát nhập vào bảo hiểm xã hội thì công tác huấn luyện chuyên môn và thông tin, hướng dẫn các quy định về y tế học đường hạn chế hơn trước. Điều này khiến người đảm nhiệm công việc lúng túng trong tác nghiệp, cũng như trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá bảo hiểm y tế học đường tới đông đảo phụ huynh, học sinh, sinh viên.
Kinh phí trích lại cho các trường còn những bất cập, thủ tục thanh toán qúa rườm rà... Trước đây, khi các trường nộp phí lên cơ quan bảo hiểm y tế thường được trích trực tiếp 20% dành phục vụ công tác y tế tại trường. Nay, trường phải nộp vào tài khoản bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội sau một thời gian xem xét mới cho phép đại diện trường tới ngân hàng rút tiền.
Tỷ lệ trích phí không cố định mà tuỳ thuộc vào số phí thu được của từng trường. Vì vậy, nhiều trường ở xa, tiền nộp vào thấp, trừ chi phí đi lại, thanh toán được không đáng là bao. Bên cạnh đó, thủ tục giải quyết bảo hiểm chậm nên thực tế, có trường hợp học sinh đến cuối lớp 12 mới nhận quyết định thanh toán tiền.
"Bảo hiểm y tế học sinh là chính sách mang tính nhân đạo và cộng đồng sâu sắc, tham gia không bắt buộc và không vì mục đích kinh doanh. Tuy nhiên mức phí hiện còn cao nên đa số học sinh khó khăn không đóng nổi" - Hiệu phó trường Tạ Quang Bửu, quận 8, cho biết. Điển hình với học sinh khu vực ngoại thành, năm qua, huyện Cần Giờ chỉ có 24,21%, Củ Chi: 31,97%, Nhà Bè: 38,01%. Trong khi thực tế, đó là những khu vực cần bảo hiểm y tế học đường hơn.
Theo ý kiến của hầu hết đại diện các trường trên địa bàn, nếu các cơ quan chức năng không kịp thời giải quyết những vướng mắc trên, không chú trọng đầu tư cơ sở vật chất và đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm y tế học đường thì chính sách này khó thu hút đông đối tượng tham gia như mong muốn.
Lương Nga