Ngày 22/6, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã dẫn đầu đoàn công tác của Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập đến làm việc tại Bộ Nội vụ.
Ông Huệ cho biết, Đề án về nội dung nêu trên sẽ được trình Ban chấp hành Trung ương, gồm 3 thành tố đổi mới cơ chế quản lý, tài chính và tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập.
"Đề án phải đề cập tới các vấn đề mới, có tính đột phá, nhằm tổ chức cung ứng dịch vụ công theo nguyên tắc thị trường, có sự dẫn dắt của nhà nước", ông Huệ nói.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, phải xóa bỏ tâm lý ỷ lại vào ngân sách nhà nước trong việc đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường phân công, phân cấp quyền hạn, lợi ích giữa các cấp để bảo đảm tính tự chủ, năng động, sáng tạo...
Về đổi mới cơ chế tài chính, Phó thủ tướng nói sẽ được tiến hành theo lộ trình phù hợp gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, tạo nguồn cho thực hiện cải cách tiền lương. Tuy nhiên, Phó thủ tướng lưu ý, cần xác định rõ các dịch vụ công cơ bản thì Nhà nước phải bảo đảm, như đầu tư y tế, giáo dục ở vùng khó khăn hay nghiên cứu khoa học cơ bản.
Theo Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, qua báo cáo của 28 bộ, ngành và 57 địa phương, năm 2011 cả nước có trên 54.000 đơn vị sự nghiệp công lập, đến năm 2016 giảm được 534 đơn vị (còn trên 53.000 đơn vị). Tuy nhiên, trong khi số lượng đơn vị sự nghiệp công lập của các địa phương giảm 635 đơn vị thì ở khối bộ, ngành lại tăng lên 101 đơn vị.
Ông Thăng cũng cho biết, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2011 là trên 1,8 triệu người; năm 2016 là trên 1,9 triệu, tăng hơn 165.000 người. Trong số này, khối bộ, ngành tăng 9.000 người, địa phương tăng hơn 156.000 người.
Võ Hải