Ngày 6/1, Bộ Lao động Thương binh Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết, năm 2013 có hơn 1,5 triệu lao động được giải quyết việc làm, trong đó khoảng 88.000 người đi xuất khẩu lao động. Phần đông trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc, tất cả trẻ dưới 6 tuổi được tiếp cận các dịch vụ y tế công... Cả nước có hơn 8,5 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 5,8% so với năm trước. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước cuối năm 2013 còn 7,8%.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động thừa nhận, nhiều doanh nghiệp đưa người lao động ngoài nước vào làm việc ở Việt Nam không chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Người lao động thiếu việc, tiến trình giải quyết việc làm thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong các lĩnh vực do Bộ Lao động Thương binh Xã hội phụ trách không thể nói mặt nào quan trọng hơn mặt nào. Lĩnh vực trẻ em, bình đẳng giới, ma túy, mại dâm…đều cần phải giải quyết, nhưng một mình Bộ Lao động không thể làm hết mà cần có sự hợp tác của xã hội.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, năm 2014 Bộ Lao động phải tập trung giải quyết vấn đề việc làm vì tình trạng thất nghiệp còn nhiều thì trách nhiệm một phần thuộc về Bộ. Ở nông thôn, khi đưa khoa học kỹ thuật vào, giải phóng sức lao động thì một bộ phận người dân có nhu cầu làm công nhân trong các nhà máy. Trung ương vừa có Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nên các trường dạy nghề thuộc Bộ cũng cần đổi mới, cần đột phá theo hướng gắn cơ sở đào tạo với doanh nghiệp.
Theo ông Đam, trong điều kiện nguồn lực ít, Bộ Lao động cần phải làm có trọng tâm với hiệu quả cao nhất. Đầu tiên là gắn nơi có tiềm năng tập trung lao động với việc phát triển cơ hội việc làm và tập trung xuất khẩu lao động, tiến tới xem xuất khẩu lao động như một mũi nhọn.
“Dư luận đang bức xúc về việc các công ty thu phí người lao động hơn mức quy định. Năm 2014 cần phải chấn chỉnh việc này. Đơn vị nào thu sai cần xử lý nghiêm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Đam cũng lưu ý, hơn 4 triệu người đang được hưởng trợ cấp. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn thì vấn đề đặt ra là làm sao sử dụng tiền tốt nhất. Không nên làm chính sách theo bình quân, chẳng hạn những người cao tuổi gia đình khá giả không cần bảo trợ, nếu dồn được tiền đó vào người thực sự khó khăn thì mới có ý nghĩa.
“Năm 2014 có thể lựa chọn làm thử một chính sách, bảo trợ đúng đối tượng, đúng yêu cầu. Làm được điều này sẽ là cuộc cách mạng trong bảo trợ xã hội”, Phó Thủ tướng đề xuất.
Hoàng Thùy