Tại hội nghị tổng kết nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 của Bộ Xây dựng sáng 7/1, nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến xây dựng cơ bản còn thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính rườm rà. Trong khi đó, công tác đầu tư xây dựng ảnh hưởng toàn bộ sự phát triển của đất nước.
Bày tỏ quan điểm, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, ông không mong có một đội ngũ viết ra những văn bản có thể đi vào cuộc sống ngay mà cần có sự phản hồi từ nhiều tổ chức, xã hội và cơ quan nhà nước phải tiếp thu những phản hồi đó.
Theo Phó thủ tướng, văn bản là công trình chung nên các cơ quan cần có trách nhiệm đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, thực tế là nhiều cơ quan thờ ơ, rất nhiều văn bản góp ý nói là đồng ý với dự thảo, chỉ góp ý "hai dấu phẩy, ba dấu chấm". Có doanh nghiệp kêu ca luật khó thực hiện song giở lại văn bản thì không có góp ý.
Phó thủ tướng cũng cho rằng, việc góp ý có phần thiếu dân chủ, đôi khi ý kiến đúng không được nghe. Ông yêu cầu Bộ Xây dựng cần tiếp thu và trả lời các địa phương nếu không dùng ý kiến của họ vào văn bản pháp luật.
"Công tác đầu tư xây dựng hiện nay rất yếu kém, cái gì cũng chậm nên chúng ta cần tăng cường, cải cách các văn bản quy phạm pháp luật", Phó thủ tướng nói và khẳng định nếu không thay đổi các thể chế, chính sách thì rất khó hội nhập với thế giới.
Phó thủ tướng nhận định, các thủ tục xây dựng cơ bản và hành chính rườm rà đã ảnh hưởng tới quá trình triển khai dự án. Cụ thể cả nước có hơn 26.800 dự án đang đầu tư, hơn 8.500 dự án khởi công năm 2013 song thống kê có tới 35% dự án chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng, 10% dự án phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư, tiến độ, địa điểm... |
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng nhắc nhở ngành xây dựng trước nhiều tồn tại trong năm 2013 như thất thoát, lãng phí, tiêu cực; xây dựng không phép; tồn kho nhà ở còn khá lớn. Nhiều quy hoạch chiến lược đưa ra chồng chéo, xử lý trách nhiệm về chất lượng công trình là chưa nghiêm.
Đóng góp về việc xây dựng văn bản pháp luật, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận xét, việc góp ý chưa phát huy quyền dân chủ. Hiệp hội đã có kiến nghị qua 3 năm song Bộ Xây dựng chưa sửa đổi nghị định có nội dung cần phản biện của các nhà khoa học. Hiện nay, nhiều dự án có lấy ý kiến của các tổ chức song rất hình thức.
"Khi tổ chức, nhân dân tham gia quản lý dự án và giám sát công trình, nhiệm vụ ngành sẽ dược thực hiện tốt hơn", ông Hùng bày tỏ.
Đoàn Loan